Nhấn mạnh vai trò của hạ tầng giao thông kết nối với sự phát triển, Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn.

Thủ tướng: Nam Định có ưu thế, nhưng hiện Hà Nam, Ninh Bình phát triển nhanh hơn

Hoài Lam | 12/02/2023, 15:12

Nhấn mạnh vai trò của hạ tầng giao thông kết nối với sự phát triển, Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn.

Hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng cho biết, đây là địa bàn chiến lược quan trọng, cũng là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Ngoài ra, Đồng bằng sông Hồng là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng; có 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 di tích quốc gia đặc biệt, 77 bảo vật quốc gia, gần 2.000 di tích quốc gia…

tt-2.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTCP

Quy mô kinh tế năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước (đứng thứ 2, sau vùng Đông Nam Bộ); GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ là 141,3 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, nơi đây có kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, tốt so với các vùng trên cả nước, hội tụ đủ 5 phương thức vận tải; thu hút FDI tăng khá nhanh. Đến năm 2020, đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế (chiếm khoảng 31,4% tổng vốn cả nước)…

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu ngân sách ở một số địa phương chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số ngành nhất định.

Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ. Hạ tầng du lịch còn yếu. Hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng chiến lược và vấn đề liên kết, Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn, nguyên nhân quan trọng là hạ tầng giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn. Một ví dụ khác, khi Hải Phòng triển khai các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh và các tỉnh khác thì Hải Phòng phát triển bứt phá.

Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân như nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng còn chưa đầy đủ; tư duy, thể chế về liên kết chậm đổi mới; chưa có chính sách đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…

"Phân tích như vậy để thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước, vì lợi ích chung để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt quan tâm việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Về mục tiêu, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, chương trình hành động xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng.

tt-3.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu - Ảnh: TTCP

Cụ thể là tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9%; GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Đến năm 2030 trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tầm nhìn đến năm 2045: "Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc…".

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương trong vùng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững để Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tập trung một số lĩnh vực gồm hạ tầng chiến lược kết nối (gồm: hạ tầng cứng và mềm, hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả trên cơ sở bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn ưu tiên phù hợp, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó, việc nào dứt việc đó.

tt-1.jpg
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh: TTCP

“Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cả công và tư; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại”, Thủ tướng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
1 giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Nam Định có ưu thế, nhưng hiện Hà Nam, Ninh Bình phát triển nhanh hơn