Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành công thương phải đảm bảo cân đối năng lượng điện, với mức tăng 10% so với năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Anh nào nói cắt điện, tôi cách chức luôn'

17/01/2019, 18:00

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành công thương phải đảm bảo cân đối năng lượng điện, với mức tăng 10% so với năm 2018.

Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Bộ Công Thương - Ảnh: MOIT

Sáng 17.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Bộ Công Thương.

Báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị cho biết năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng 10,2%, cao hơn so với mục tiêu Chính phủ giao là 9%).

Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Bộ Công Thương

Tiếp theo thành tựu tích cực của năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng: Quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỉ USD.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỉ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%). Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỉ USD, tăng 11,5%; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 4.395,7 nghìn tỉ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10 - 10,5% so với năm 2017. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm nay ước tính đạt 3.306,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 75,21% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, lưu ý mà Bộ Công Thương cần tập trung khắc phục.

Về lực lượng quản lý thị trường, Thủ tướng nhắc nhở tình trạng hàng giả, nhái, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương nên có hội nghị để bàn chuyên sâu về quản lý thị trường, phối hợp với các địa phương. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường phải dày dạn kinh nghiệm, phải chặt chẽ.

Đề cập đến nhiệm vụ của năm 2019, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường phòng chống tham nhũng, giữ vững kỷ luật kỷ cương, gắn với trách nhiệm nêu gương, với thành tích đạt được không được chủ quan thỏa mãn.

Thủ tướng cũng lưu ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp. Đặc biệt, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương.

Liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thời gian tới ngành công thương phải đảm bảo cân đối năng lượng điện, với mức tăng 10% so với năm 2018.

"Dù chúng ta triển khai chương trình điện rác, điện tái tạo, mua điện… thì không thể có chuyện Bộ Công Thương hay EVN báo cắt điện. Anh nào nói cắt điện tôi cách chức luôn anh đó, phải như vậy mới được. Thời đại này làm sao cắt điện, mất điện được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu ngành công thương cần có chiến lược phát triển ngành năng lượng trong dài hạn. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu lĩnh vực này phải tăng trưởng ở mức 6 - 7%. Từ đó tính toán nhu cầu điện để cung cấp cho đất nước một cách tốt nhất.

Nhắc đến nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Ông bỏ mấy tỉ USD rồi đóng cửa hay sao? Nếu đầu tư thêm 1 tỉ USD thì giá thành điện mua được không?”. Do đó, với dự án này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải trả lời để xử lý dứt điểm.

Năm 2019, Thủ tướng giao cho ngành công thương 10 nhiệm vụ, trong đó gồm những việc: Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu thuộc ngành công thương một cách thực chất, chặt chẽ và hiệu quả; tiếp tục xử lý tồn tại, yếu kém của dự án thuộc ngành công thương theo đúng phương án, kế hoạch được giao...

Đi liền với đó là vấn đề phòng vệ thương mại, hội đồng cạnh tranh phải được tăng cường, củng cố. Trong vấn đề thị trường cũng như trong sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của hiệp hội, ngành hàng. Thủ tướng yêu cầu phản ứng chính sách, điều chỉnh chủ trương một cách mau lẹ. Coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế từ đó có những phản ứng kịp thời hơn. Thủ tướng đã thành lập tổ công tác, trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm tổ trưởng cùng các Bộ Tài chính, Ngân hàng, Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học - Công nghệ, Tư pháp... làm thành viên để phản ứng mau lẹ hơn với tình hình thị trường....

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Anh nào nói cắt điện, tôi cách chức luôn'