Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm vào ngày 10.4 sau khi không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pakistan.
Các đảng đối lập đã vận động được 174 phiếu thuận (trên tổng số 342 phiếu) để lật đổ nhà lãnh đạo. Chỉ có một số nghị sĩ đảng cầm quyền Tehreek-i-Insaf có mặt tại cuộc bỏ phiếu.
Thủ tướng Imran Khan tại nhiệm được 3 năm rưỡi. Dù chưa có Thủ tướng Pakistan nào phục vụ đủ nhiệm kỳ nhưng ông Khan là người đầu tiên mất chức do bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Quốc hội Pakistan sẽ nhóm họp bầu chọn Thủ tướng mới vào ngày 11.4. Chính trị gia Shehbaz Sharif, 70 tuổi, người đứng đầu Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N), gần như chắc chắn sẽ được chọn để lãnh đạo quốc gia 220 triệu dân.
Thủ tướng Imran Khan không có mặt tại cuộc bỏ phiếu và cũng chưa đưa ra bình luận gì. Ông lên nắm quyền vào năm 2018 với sự hỗ trợ của quân đội, nhưng gần đây lại đánh mất thế đa số tại Quốc hội vì các đồng minh rời bỏ chính phủ.
Giới phân tích nhận định nhà lãnh đạo dường như đã không còn được quân đội ủng hộ vì bổ nhiệm nhân vật đứng đầu cơ quan gián điệp mới và vì nhiều vấn đề kinh tế.
Phe đối lập chỉ trích ông Imran Khan không thực hiện được cam kết vực dậy nền kinh tế bị COVID-19 tàn phá và biến Pakistan thành quốc gia thịnh vượng, không tham nhũng được tôn trọng trên trường thế giới.
Thủ tướng Imran Khan đã cố gắng duy trì quyền lực bằng cách chặn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tuần trước, giải tán Hạ viện. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Pakistan đã can thiệp, cho phép Quốc hội được triệu tập để tiến hành bỏ phiếu.
Trước đó, ông cáo buộc Mỹ muốn lật đổ mình vì sang thăm Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự với Ukraine. Ông Imran Khan luôn có thái độ đối kháng với Mỹ khi còn tại nhiệm.