Ngày 7.4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua quyết định đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga vì thông tin về việc sát hại dân thường ở Ukraine.
Quyết định được thông qua bằng cuộc bỏ phiếu do Mỹ khởi xướng. Có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Sau cuộc bỏ phiếu, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin chỉ trích đây là bước đi trái phép mang động cơ chính trị. Ông tuyên bố Nga rút khỏi Hội đồng Nhân quyền.
Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích của mình và sử dụng mọi phương tiện pháp lý khả dĩ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield tuyên bố tổ chức này đã đi gửi một thông điệp rõ ràng rằng sự đau khổ của nạn nhân lẫn người sống sót tại Ukraine sẽ không bị bỏ qua. Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu với báo giới: “Bạn không cần nộp đơn xin từ chức khi đã bị sa thải”.
Trung Quốc - nước bỏ phiếu chống - lên tiếng bảo vệ đồng minh Nga: “Một động thái vội vàng như vậy khiến sự chia rẽ giữa các nước thành viên thêm trầm trọng cũng như làm gia tăng đối đầu giữa các bên liên quan. Giống như đổ thêm dầu vào lửa vậy”.
Nga là một trong 47 ủy viên Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ 2021-2023. Sau này Đại hội đồng vẫn có thể chấm dứt việc đình chỉ, nhưng Nga đã tuyên bố rút khỏi nên mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Mỹ từng rút khỏi Hội đồng Nhân quyền vào năm 2018 với lý do cơ quan thiếu cải cách, có thành kiến với Israel. Tuy nhiên, việc đình chỉ tư cách ủy viên hiếm khi xảy ra. Libya từng bị khai trừ vào năm 2011 vì lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi có hành động bạo lực đối với người biểu tình.
Thông tin phát hiện hàng trăm thi thể dân thường ở Bucha - thị trấn vừa được giải phóng cách Kyiv 37 km về phía tây bắc - do phía Ukraine đưa ra khiến cộng đồng quốc tế cực kỳ phẫn nộ. Nga bác bỏ cáo buộc giết dân thường, tuyên bố đây là dàn dựng.