Chiều 18.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có chuyến đi khảo sát đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hoàn thiện hồ sơ dự án Cảng Cần Giờ trong tháng 7.2023

Tú Viên | 18/07/2023, 18:25

Chiều 18.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có chuyến đi khảo sát đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).

Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã xuất phát từ bến Bạch Đằng, di chuyển đến cù lao Phú Lợi (địa điểm xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) bằng tàu thủy.

Theo đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi rừng.

img-6809-4302.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trên tàu cao tốc đang di chuyển ra địa điểm dự kiến xây "siêu cảng"
biển Cần Giờ-Ảnh: SGGP

Theo đề xuất, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn; giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027, dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

Việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước; thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô thành phố.

Bên cạnh đó, cảng sẽ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, đồng thời, sẽ sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Về cơ cấu nguồn vốn, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics... sẽ đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).

Về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối, cảng sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách, hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Cảng sẽ xây dựng với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, toàn bộ các thiết bị sẽ sử dụng điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn), từ Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể khai thác lợi thế vận tải đường biển từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ.

Dự án sẽ giúp phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, giúp TP.HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển.

Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến gần 5,4 tỉ USD.

Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tàu feeder trọng tải từ 10.000 - 65.000 DWT và sà lan trọng tải tới 8.000 T.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Cảng Cần Giờ sẽ thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng trên quốc tế. Dự án mở ra cơ hội phát triển rất lớn, do vậy, công tác về đánh giá, nghiên cứu dự án phải được triển khai khẩn trương.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan phối hợp với TP.HCM và các cơ quan triển khai các bước tiếp theo, hoàn thiện hồ sơ dự án vào tháng 7.2023.

ccg11-16896734217441665311770.jpeg
Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Sáng cùng ngày, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành và 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã dự Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Hội đồng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tiếp tục ban hành Quyết định 46/QĐ-HĐĐPĐNB ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hoàn thiện hồ sơ dự án Cảng Cần Giờ trong tháng 7.2023