Theo lời tự bào chữa của Kiên, nguyện vọng của bị cáo là tích cực khắc phục 100% để nhận được sự khoan hồng và xin HĐXX xem xét.
Sáng 18.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, một số tỉnh thành phố và các đơn vị liên quan.
Trong phần tranh luận, khi được tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) thừa nhận những hành vi phạm tội của mình như cáo trạng nêu là đúng.
"Bị cáo rất ăn năn hối lỗi. Qua đây, bị cáo xin gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân vì những hành động sai trái của mình”, Kiên nói.
Theo lời Kiên, bản thân bị cáo không gây khó khăn gì cho các doanh nghiệp. Bị cáo không thể nào có hành động làm chậm tiến độ của "chuyến bay combo", gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Sau đó, bị cáo viện dẫn nhiều doanh nghiệp chủ động gặp mình để đưa tiền cảm ơn chứ không phải do Kiên ép buộc họ đưa tiền. Cụ thể, đối với trường hợp của Lê Văn Nghĩa, Kiên cho biết trong quá trình thực hiện chuyến bay combo, Nghĩa có gọi và nói rằng biết bị cáo và Bộ Y tế có tạo điều kiện. Do chưa gặp được, khi nào có chuyến bay trong nước thì Nghĩa ra gặp. “Khoảng 1 tháng sau thì anh ấy ra gặp, đưa tiền cho bị cáo”, bị cáo Kiên nói.
Trường hợp khác là Nguyễn Tiến Mạnh, Phan Thị Mai…, Kiên nói họ cũng gặp và đưa tiền cảm ơn cho Kiên. Tuy nhiên, Kiên khẳng định bản thân không ép doanh nghiệp đưa tiền.
Về số tiền 15 tỉ đồng liên quan đến đoàn khách lẻ, theo lời bị cáo Kiên, khi Kiên nhận thức được hành vi của mình liên quan chuyến bay combo thì đã chủ động khai báo. Sau khi nhận tội với CQĐT, trước khi phiên tòa được mở, bị cáo cũng tích cực phối hợp với CQĐT.
“Bị cáo xin HĐXX xem xét đến tình tiết thành khẩn, chủ động khai báo để cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ”, Kiên nói. Trước khi dừng lời, Kiên cho biết thời điểm phạm tội, ngay khi dịch nổ ra ở Hà Nội và các tỉnh khác, bị cáo thường xuyên tháp tùng Thứ trưởng đi công tác, đến các vùng có dịch… do vậy, bị cáo bị cuốn vào guồng công việc, không nhận thức được hành vi sai trái của mình khi nhận tiền của các doanh nghiệp.
Theo lời tự bào chữa của Kiên, nguyện vọng của bị cáo là tích cực khắc phục 100% để nhận được sự khoan hồng và xin HĐXX xem xét.
Luật sư đề nghị đổi tội danh cho Phạm Trung Kiên
Bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, luật sư cho rằng VKS chưa đánh giá đầy đủ bản chất sự việc. Theo luật sư, hành vi của bị cáo Kiên xảy ra ở việc cấp phép chuyến bay combo và chuyến bay đơn lẻ; bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật, nhận tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo luật sư, hành vi của Kiên chưa thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội “Nhận hối lộ”.
Theo phân tích của luật sư, Kiên hoàn toàn không thể quyết định việc trả lời văn bản của Bộ Ngoại giao vì còn phụ thuộc vào nhiều khâu. Sau khi phân tích, luật sư cho rằng bản chất của hành vi phạm tội của Kiên không cấu thành tội “Nhận hối lộ” mà cấu thành tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
Liên quan đến số tiền 15 tỉ đồng khách đơn lẻ, luật sư cho rằng đây là số tiền mà bị cáo Kiên đã chủ động khai với CQĐT. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo đối với người phạm tội tự thú hoặc tình tiết tích cực khai báo để hỗ trợ điều tra.
Mặt khác, luật sư cũng cho biết bị cáo Kiên còn có những tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo; bị cáo đã trả cho doanh nghiệp 12 tỉ đồng, gia đình khắc phục được 15 tỉ đồng; sáng nay, vợ bị cáo khắc phục thêm 8 tỉ đồng.
Trước khi dừng lời, luật sư đề nghị HĐXX, VKS xem xét toàn diện, đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan toàn bộ vụ án. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo hưởng mức án tù có thời hạn để bị cáo có cơ hội sớm trở về với gia đình và xã hội.
Cùng bào chữa cho Kiên, một vị luật sư khác cũng đề nghị HĐXX chuyển tội danh cho bị cáo sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
VKS kiến nghị làm rõ hành vi của Thứ trưởng Y tế
Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt mức án tử hình đối với Phạm Trung Kiên về tội “Nhận hối lộ”. Theo đó, VKS xác định Kiên được Bộ Y tế giao làm thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, lợi dụng chức vụ được giao, Kiên đã tự gây khó khăn cho các doanh nghiệp buộc họ phải chi tiền theo mức mà Kiên yêu cầu mới được Bộ Y tế cấp phép chuyến bay.
Trong vụ án này, VKS xác định Kiên là người nhận số tiền nhiều nhất, số lần nhận tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất. Kiên đã nhận hơn 42 tỉ đồng với tổng số 253 lần.
Ngoài ra, theo VKS, khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp là hơn 12 tỉ đồng, đồng thời nhờ doanh nghiệp khai báo là tiền vay mượn cá nhân. Vì vậy, VKS cho biết cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất.
Ngoài ra, trong phần luận tội, VKS cũng cho biết hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Trung Kiên cho thấy rằng cần phải kiến nghị để điều tra làm rõ hành vi và trách nhiệm của ông Đỗ Xuân Tuyên (Thứ trưởng Bộ Y tế - người ký công văn chấp thuận gửi Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép cho các chuyến bay) để xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.