Hôm 5.1, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Julian Assange “được tự do trở về nhà” khi các thách thức pháp lý chống lại ông được xử lý. Động thái này diễn ra sau khi một tòa án ở Anh từ chối yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks về Mỹ.

Thủ tướng Úc nói ‘tội đồ với Obama’ được tự do về nhà, Mexico đề nghị cho tị nạn chính trị

Nhân Hoàng | 05/01/2021, 11:30

Hôm 5.1, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Julian Assange “được tự do trở về nhà” khi các thách thức pháp lý chống lại ông được xử lý. Động thái này diễn ra sau khi một tòa án ở Anh từ chối yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks về Mỹ.

Hôm 4.1, thẩm phán Vanessa Baraitser (Anh) đã chặn yêu cầu dẫn độ của Mỹ, nơi Julian Assange phải đối mặt với các cáo buộc hình sự bao gồm vi phạm luật gián điệp. Nhà sáng lập Wikileaks bị truy nã vì công bố hàng ngàn tài liệu mật trong năm 2010 và 2011, thời ông Obama làm Tổng thống Mỹ.

Thẩm phán nói rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần của Julian Assange có thể dẫn đến việc ông tự sát nếu bị dẫn độ từ Anh sang Mỹ.

Nếu bị kết án ở Mỹ, Julian Assange sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể lên tới 175 năm tù, các luật sư của ông cho biết. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ nói mức án có khả năng từ 4 đến 6 năm.

Vanessa Baraitser cho rằng có một nguy cơ thực sự là nếu bị kết tội, Julian Assange sẽ bị giam trong nhà tù siêu an ninh ADX Florence (SAM) gần như cô lập hoàn toàn và ông ta sẽ tìm cách vượt qua các biện pháp ngăn chặn tự tử của họ.

Tôi cho rằng, nếu Julian Assange phải chịu những điều kiện khắc nghiệt ở SAM, sức khỏe tâm thần của ông sẽ xấu đi đến mức sẽ tự sát”, Vanessa Baraitser nói.

Bộ tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tìm cách dẫn độ Julian Assange với các công tố viên đã kháng cáo phán quyết lên Tòa án Tối cao của London.

nguoi-hung-cua-trump-toi-do-voi-obama-thoat-canh-bi-dan-do-ve-my.jpg
Julian Assange - nhà sáng lập Wikileaks tạm thoát cảnh bị dẫn độ sang Mỹ

Hệ thống tư pháp đang làm theo cách của nó và chúng tôi không phải là một bên trong đó. Giống như bất kỳ người Úc nào, họ được lãnh sự hỗ trợ và nếu kháng cáo không thành công, rõ ràng là ông ta sẽ có thể trở lại Úc như bất kỳ người Úc nào khác”, Thủ tướng Úc - Scott Morrison nói với đài phát thanh địa phương.

Là người Úc năm nay 49 tuổi, Julian Assange bị Mỹ cáo buộc 18 tội danh trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama liên quan đến việc WikiLeaks tiết lộ hồ sơ quân sự bí mật của Mỹ và các bức điện ngoại giao mà họ cho rằng có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Chính phủ Mỹ cáo buộc Julian Assange âm mưu xâm nhập cơ sở dữ liệu quân sự Mỹ để lấy thông tin bí mật nhạy cảm liên quan đến cuộc chiến Afghanistan và Iraq, sau đó được công bố trên trang web Wikileaks.

Các công tố viên Mỹ và các quan chức an ninh phương Tây coi nhà sáng lập WikiLeaks là kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm của đất nước, có hành động đe dọa tính mạng các đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ.

Các nhà chức trách Mỹ cho biết hơn 100 người đã gặp rủi ro do bị tiết lộ thông tin và khoảng 50 người đã nhận được sự hỗ trợ, trong đó một số người đã bỏ trốn khỏi quê hương cùng vợ/chồng và gia đình để chuyển đến Mỹ hoặc một quốc gia an toàn khác.

Dù vậy, Julian Assange nói rằng thông tin này đã phơi bày tội ác chiến tranh và sự lạm dụng của quân đội Mỹ ở Iraq.

Những người ủng hộ coi Julian Assange như người hùng vì vạch trần hành động sai trái của Mỹ trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, đồng thời cho rằng việc truy tố ông là cuộc tấn công có động cơ chính trị nhằm vào báo chí và tự do ngôn luận.

WikiLeaks nổi tiếng khi công bố một video quân sự của Mỹ vào năm 2010 cho thấy một cuộc tấn công năm 2007 bằng trực thăng Apache ở Baghdad khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có hai nhân viên hãng tin Reuters. Sau đó, WikiLeaks đã phát hành hàng ngàn tập tin mật và điện tín ngoại giao.

Julian Assange đã tìm cách ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador trong 7 năm từ 2012 cho đến khi bị bắt vào tháng 4.2019 và giam giữ trong nhà tù Belmarsh (London).

Vào thời điểm chạy trốn đến đại sứ quán, Julian Assange phải đối mặt với việc bị dẫn độ sang Thụy Điển vì những cáo buộc tấn công tình dục mà ông phủ nhận. Vụ việc đó sau đó đã bị bỏ.

Mexico hôm 4.1 đã đề nghị cho Assange tị nạn chính trị, động thái có thể khiến Mỹ tức giận.

'Người hùng của Trump, tội đồ với Obama'

Julian Assange từng hứng bão chỉ trích vì công bố các tài liệu tuyệt mật của Chính phủ Mỹ nhưng hồi tháng 1.2017 lại được ông Donald Trump tung hô như người hùng.

Hôm 3.1.2017, ông Donald Trump khi đó là Tổng thống đắc cử Mỹ không tiếc lời khen ngợi Julian Assange, người mà hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa đều không muốn nhắc tới.

Trong thời gian vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump không ít dịp tỏ thái độ hân hoan trước việc Wikileaks công bố loạt email đánh cắp từ Uỷ ban Toàn quốc đảng Dân chủ hay chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Từ đó đến nay, ông Trump vẫn tiếp tục ca ngợi sự minh bạch mà WikiLeaks mang đến, trong khi Tổng thống Obama cùng các quan chức hàng đầu khác chỉ trích, cho rằng WikiLeaks gây nguy hại vì làm rò rỉ những bí mật quốc gia quan trọng.

Trump cũng lên tiếng bảo vệ ông chủ WikiLeaks, người được Ecuador cho phép tị nạn tại Đại sứ quán ở London sau khi một tòa án Anh ra lệnh dẫn độ ông về Thụy Điển để đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục liên quan đến hai phụ nữ.

Những bình luận mà ông Trump đưa ra đồng điệu với các phương tiện truyền thông bảo thủ, một thời lên án WikiLeaks, nhưng nay lại có chiều hướng tung hô Assange như người hùng.

Bài liên quan
Trump nói số người chết do COVID-19 ở Mỹ bị thổi phồng, cố vấn y tế Nhà Trắng phản bác
Hai quan chức y tế hàng đầu của Mỹ hôm 3.1 đã phản bác tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng dữ liệu liên bang về các trường hợp mắc và tử vong do COVID-19 ở Mỹ bị thổi phồng quá mức. Cả hai đều bày tỏ lạc quan rằng tốc độ tiêm chủng đang tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Úc nói ‘tội đồ với Obama’ được tự do về nhà, Mexico đề nghị cho tị nạn chính trị