Tiền thưởng Tết Nguyên đán (Âm lịch Ất Tỵ) 2025 tăng 13% so với mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tổng hợp báo cáo về tình hình tiền lương, thưởng tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tiền lương năm 2024 bình quân của người lao động ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.
Tiền thưởng Tết Nguyên đán (Âm lịch Ất Tỵ) 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó: Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, tình hình quan hệ lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong năm 2024, cả nước xảy ra 76 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 18 cuộc so với cùng kỳ năm 2023. Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp khu vực FDI, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 44/76 cuộc, chiếm 57,89% tổng số cuộc; tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế với 44/76 cuộc, chiếm 57,89% tổng số cuộc.
Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, có trên 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn, với tổng kinh phí hơn 4.750,5 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách, tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là những nơi tập trung nhiều lao động; chủ động đề xuất, phối hợp với chủ sử dụng lao động tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ tết và quay trở lại làm việc sau tết; chủ động xây dựng các biện pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.
Phối hợp với chủ sử dụng lao động tuyên truyền, vận động người lao động quay trở lại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đúng thời gian quy định, tiếp tục tổ chức đón người lao động quay lại làm việc. Nắm chắc tình hình người lao động quay lại làm việc ngay sau tết.
Tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, chúc tết đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp để tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày làm việc đầu xuân, bảo đảm việc trở lại làm việc bình thường ngay sau đợt nghỉ tết, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ công tác năm 2025 ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025.