Theo thông tin từ nhóm bạn thân hữu, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào lúc 4 giờ 29 phút sáng nay (3.6.2022), hưởng thọ 76 tuổi. Một “tia nắng tà dương” của Nhóm Thứ Sáu vừa vụt tắt.
Không chỉ là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt - người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn còn là một trong những người tham gia đặt nền móng cải tổ hệ thống ngân hàng, đưa ngành ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới. Ông cũng là một trong những thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
Trên báo Người Đô Thị đã giới thiệu bài viết vừa gửi tới của Nhóm Thứ Sáu về một "kẻ sĩ", một tri thức một trí thức lớn đã chủ động chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của vận nước, đồng cam cộng khổ với quê hương trong suốt cuộc đời...
Đời người chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao, nhưng dù không nghĩ đến thì ai cũng khẳng định rồi sẽ đến ngày phải rời khỏi thế gian đầy kỷ niệm ngọt bùi lẫn cay đắng này, để lại biết bao thương tiếc của người thân, bạn bè, đồng nghiệp…
Thật không ngờ, hôm nghe tin anh vừa từ bệnh viện về, mấy anh em Nhóm Thứ Sáu chúng tôi đến nhà thăm và vui mừng thấy anh đang hồi phục tốt. Anh còn lạc quan hẹn rằng sẽ tổ chức họp mặt tất niên tại nhà trong năm nay và tự tay làm món tôm càng nướng đãi cả nhóm.
Thật bàng hoàng khi chỉ sau một ngày, Bửu Sơn của chúng tôi đã đột ngột ra đi mãi mãi!
Anh Huỳnh Bửu Sơn (sinh năm 1946 tại Vũng Tàu) là một chuyên gia kinh tế lỗi lạc mà giới ngân hàng trong nước ai cũng biết đến. Nhớ hồi năm 1985, sau đợt đổi tiền lần thứ ba, tình hình kinh tế Việt Nam vô cũng khó khăn, giá cả trên thị trường tăng hàng ngày người sản xuất bán ra sản phẩm theo giá thị trường, nhưng khi tiếp tục sản xuất đều bị thua lỗ nặng vì giá nguyên liệu đã lên cao hơn nhiều. Người tiêu dùng, nhất là giới sống bằng đồng lương, thì không thể sống nổi vì vật giá tăng phi mã so với thu nhập cố định.
Lúc bấy giờ, lãnh đạo TP.HCM đưa ra đề nghị Nhóm Thứ Sáu tham gia tìm giải pháp kéo giá xuống. Hơn 20 chuyên gia kinh tế của Nhóm cùng tích cực thảo luận và kết quả là ý kiến của anh Huỳnh Bửu Sơn đã được mọi người đồng thuận. Theo anh, nhìn từ kinh tế vĩ mô thì giá cả không phải đang tăng, mà ngược lại đã giảm đến độ nền kinh tế đang tan rã, dẫn đến mọi ngành sản xuất đều thua lỗ, không tái tạo được đồng vốn.
Quan điểm phản biện này lập tức được soạn thảo kịp thời bằng một đề án và các anh em đại diện cho Nhóm Thứ Sáu được Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt mời ra trình bày trước nhiều bộ trưởng và chuyên gia hàng đầu của chính phủ. Có thể nói, đó là một trong những yếu tố giúp Trung ương có những chính sách mới, chẳng hạn như xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, hàng hoá được lưu thông xuyên suốt cả nước, cùng với các chính sách tài chính và tín dụng tiền tệ được ban hành, đã đưa nền kinh tế từng bước bình thường trở lại trong những năm kế tiếp.
Sau đó, anh Huỳnh Bửu Sơn và ba anh em khác trong Nhóm Thứ Sáu đã được tham gia vào Nhóm Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Kể cả những năm sau này, khi có những yêu cầu của lãnh đạo TP.HCM về việc góp ý kiến hay tham gia xây dựng các công trình kinh tế trên địa bàn thành phố, như thành lập Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn Công thương, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước... đều có sự đóng góp của anh Huỳnh Bửu Sơn.
Ôi, lại một “tia nắng tà dương” của Nhóm Thứ Sáu vừa vụt tắt. Thứ Hai 6.6.2022 tới đây là giỗ ông Sáu Dân, cứ tưởng đó là ngày chúng ta sẽ gặp nhau cùng ôn lại bao nhiêu kỷ niệm. Cớ sao anh lại vội vã ra đi, quên cả lời hẹn Tết năm tới liên hoan đoàn tụ Nhóm. Nỗi niềm ly biệt này biết khi nào mới nguôi!
Con người tuy không lựa được lúc nào và ở đâu khi sinh ra, cũng như lúc nào rời khỏi thế gian này. Nhưng việc lựa chọn sống như thế nào để gọi là hữu ích cho cộng đồng đã nuôi dưỡng ta nên người thì hoàn toàn chủ động được.
Theo truyền thống văn hoá Việt Nam, khi đất nước thanh bình thì mọi người có thể thoải mái lựa chọn cuộc sống như ý. Vì vậy mới có những người tài không màng con đường công danh mà chọn cuộc sống ẩn dật như một thầy đồ, thầy thuốc trong dân gian. Nhưng khi vận nước lâm nguy thì kể cả dân cùng đinh cũng xông pha trận mạc đúng với câu “thất phu hữu trách”. Huống hồ chi, người trí thức thì không thể tìm sự yên thân cho riêng mình mà sẵn sàng vượt qua mọi định kiến, để cùng mọi người hy sinh cho dù có đổ xương máu để cứu nguy đất nước, nên chúng ta mới có những vĩ nhân như Đức Trần Hưng Đạo, La Sơn Phu Tử…
Anh Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn – đã chủ động chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của vận nước, đồng cam cộng khổ với quê hương trong suốt cuộc đời - như chúng ta từng biết.
Anh đã hoàn thành sứ mệnh của một kiếp người. Xin chúc anh an nghỉ ở cõi Thiền, nơi anh vẫn thường ước mơ, để lại muôn vàn thương tiếc cho anh em.
Anh em Nhóm Thứ Sáu