Nhiều ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.
Chiều 2.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Tại thảo luận, ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu đánh giá cao việc hàng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Nhờ vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, tình trạng lãng phí còn lớn, công tác thực hành tiết kiệm nhiều lúc, nhiều nơi chưa được thưc hiện triệt để. Việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi còn chưa kiên quyết.
Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, thu ngân sách Trung ương không đạt dự toán, kỷ luật kỷ cương tài chính có tiến bộ nhưng chưa nghiêm, quản lý chi tiêu ngân sách còn tồn tại hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách, quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng sử dụng, kết dư ngân sách…
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các đại biểu quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ, báo cáo thẩm tra. Các đại biểu cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.
Cụ thể như việc ban hành văn bản hướng dẫn luật còn chậm, tình trạng ách tắc, sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, giải ngân chậm, nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, tiến độ thực hiện và khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm. Việc triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực.
Các đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ kết quả tiết kiệm, sử dụng nguồn tiết kiệm, đánh giá rõ hơn về sắp xếp bộ máy, về chất lượng, về nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ nơi nào ai làm tốt, nơi nào ai làm chưa tốt hoặc vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thêm vào đó, các đại biểu đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng các chính sách cụ thể, tập trung khắc phục các tồn tại, bất cập đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan thẩm tra.