Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo, tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng đừng để rơi vào thái cực chỉ phục vụ các đại gia mà quên đi số phận của người nông dân.

Tích tụ ruộng đất cần phải đi cùng với việc thừa nhận quyền tài sản về đất đai

Trí Lâm | 14/04/2017, 16:33

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo, tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng đừng để rơi vào thái cực chỉ phục vụ các đại gia mà quên đi số phận của người nông dân.

Không để người dân mất việc làm

Sáng 14.4, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Phó thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

“Mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại; năng suất, chất lượng cao, thông qua ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến. Để đạt được mục tiêu này, một trong những đòi hỏi là phải tích tụ, tập trung được quỹ đất phù hợp để tổ chức sản xuất”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phải chú ý đến người nông dân trong tích tụ ruộng đất - ảnh VGP

Chính vì vậy, Phó thủ tướng cho rằng chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng.

Phó thủ tướng cũng đề nghị cần tập trung phân tích, đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, cần tập trung phân tích tác động tích cực, tiêu cực của việc bỏ quy định về hạn mức tích tụ đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và không hạn chế đối tượng được tích tụ đất trồng lúa.

“Tích tụ ruộng đất nhưng phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của các chủ thể tham gia phát triển nông nghiệp; tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo người dân, không để người dân mất việc làm, nghèo đói. Các ý kiến cần tập trung giải quyết mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất với giải phóng sức lao động trong nông nghiệp; giữa tập trung ruộng đất với ổn định, nâng cao đời sống của người dân”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần thay đổi tư duy về hạn điền, bỏ quan niệm “người cày có ruộng”. Nếu không tích tụ ruộng đất, cứ để mỗi hộ có tới 5,7 mảnh ruộng manh mún thì không thể canh tác lớn được, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ được.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo, tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng đừng để rơi vào thái cực chỉ phục vụ các đại gia mà quên đi số phận của người nông dân.

Chuyên giacũng nhấn mạnh, doanh nghiệp lấy đất nông nghiệp thì phải làm nông nghiệp, nếu thuê đất của người dân thì phải hài hòa lợi ích hai bên. Còn nếu anh có đất nhưng dùng không hiệu quả thì Nhà nước cũng có quyền thu hồi đất của anh, chứ không có chuyện dùng được một thời gian lỗ quá rồi xin chuyển đổi mục đích sang xây nhà, phân lô bán nền là không được.

Dân phải có quyền tài sản về đất đai

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, trong quá trình tích tụ ruộng đất, một điều hết sức quan trọng là phải cho người nông dân quyền tài sản về đất đai. Quyền này đã được quy định ở Bộ luật Dân sự 2015 nhưng Luật Đất đai không coi sử dụng đất là quyền tài sản nên 2 luật này cần phải có sự điều chỉnh.

Theo bà đất đai là sở hữu toàn dân và Chính phủ trao quyền sử dụng đất cho nông dân, doanh nghiệp, người dân phải được toàn quyền trên thửa đất của mình. Nếu nông dân bị gom đất hoặc doanh nghiệp muốn tích tụ đất lại, thì phải tôn trọng người có tài sản đó là nông dân chứ không phải cứ gom đất để nông dân thua thiệt như hiện nay.

“Tôi nghĩ nên cho người dân quyền tài sản về đất đai và hoàn toàn định đoạt đất đai của mình, Nhà nước bảo hộ quyền tài sản đó cho họ. Điều này cũng tránh được những việc thu hồi đất nông nghiệp vô tội vạ với giá bèo, lấy đất của nông dân với giá rẻ rồi giao cho doanh nghiệp, sau một thời gian bán lại với giá cao gấp nhiều lần”, bà Chi Lan cho hay.

Tích tụ ruộng đất sẽ tạo ra những cánh đồng lớn, cơ giới hóa

Vấn đề quyền tài sản về đất đai cho người dân cũng được nhiều chuyên gia đề cập tới trong thời gian gần đây. Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức mới đây, TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng CIEM cho rằng trong tích tụ ruộng đất cần hết sức chú trọng đến vấn đề bảo vệ quyền tài sản cho người nông dân.

“Ở Đài Loan và nhiều nước khác, khi tham gia tích tụ ruộng đất, các hộ sẽ trở thành cổ đông, đất đai được sở hữu lâu dài. Còn tại Việt Nam, người nông dân chỉ được nhận một cục tiền rồi mất đất, điều này rất nguy hiểm. Tránh biến đất nông nghiệp Nhà nước thành đất của đại gia, gây bất ổn xã hội”, ông Doanh nói.

Cũng tại diễn đàn này, ông Nguyễn Văn Tiến (Ban Kinh tế Trung ương) cũng cho rằng cần phải hoàn thiện chính sách liên quan đến thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, và hình thành thị trường đất nông nghiệp hiệu quả, minh bạch.

“Cần có chế định ngăn chặn tình trạng tích tụ ruộng đất và sử dụng theo kiểu “phát canh thu tô”; hình thành hành lang pháp lý đẩy mạnh cách thức cho thuê, sang nhượng, ủy thác canh tác… để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn”, ông Tiến nói.

Chậm tích tụ ruộng đất chủ yếu nằm ở tư duy

Trong một cuộc trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới gần đây, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp, nông thôn cho rằng, nguyên nhân của chậm tích tụ ruộng đất do những khúc mắc trong tư duy. Quan điểm công bằng kiểu cũ vẫn phổ biến trong suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo, sợ nếu không đảm bảo đất nằm đều trong tay người cày thì sẽ gây khó khăn về sinh kế cho người nghèo, tạo điều kiện sinh ra bóc lột và gây ra bất bình đẳng xã hội.

Điều này dẫn đến tình trạng duy trì trong một thời gian dài luật lệ, chính sách hạn điền, thời gian giao đất, nhằm ngăn chặn tích tụ đất qui mô lớn. Lực lượng sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp là các hộ tiểu nông, sản xuất nhỏ, manh mún ảnh hưởng đến hiệu quả, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp.

Một tư duy khác là lo lắng về an ninh lương thực, muốngiữ vững quỹ đất lúa để có thể đảm bảo lương thực trong mọi tình huống trong tương lai lâu dài, đó là căn cứ để áp dụng các chính sách cản trở việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đa dạng các loại đất nông nghiệp khác. Đây cũng là yếu tố làm cho quá trình sử dụng đất theo cơ chế thị trường chậm lại.

Ngoài vấn đề tư duy, còn nguyên nhân khác động lực đổi mới trì trệ, năng lực hoạt động yếu kém của một số cơ quan quản lý tạo nên các cơ chế, qui định, thủ tục mang tính xin cho, bao biện, đồng thời lẩn tránh trách nhiệm.

Còn nguyên nhân nữa là thị trường đất đai gắn với thị trường lao động, trong khi hiện nay thị trường lao động chưa vận hành một cách thuận lợi. Đa số người lao động từ nông thôn đi ra thị trường lao động là “phi chính thức” tức là không có thuế, không bảo hiểm, không hợp đồng… như làm cửu vạn, xe ôm, osin, buôn thúng bán bưng… hoàn toàn không có gì vững vàng cho tương lai.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tích tụ ruộng đất cần phải đi cùng với việc thừa nhận quyền tài sản về đất đai