"Tiệc trăng máu" là một bộ phim Việt với bối cảnh đơn giản nhưng lại cực kỳ tinh tế trong cách khai thác bi kịch của con người trong xã hội hiện đại.

"Tiệc trăng máu" - bi kịch của người lớn trong xã hội hiện đại

Đan Thuỳ | 22/10/2020, 13:27

"Tiệc trăng máu" là một bộ phim Việt với bối cảnh đơn giản nhưng lại cực kỳ tinh tế trong cách khai thác bi kịch của con người trong xã hội hiện đại.

Tiệc trăng máu là tác phẩm làm lại từ bộ phim nổi tiếng của Ý mang tên Perferri Sconosciuti (Perfect Strangers), từng được 20 quốc gia sản xuất với nhiều phiên bản khác nhau. Trong đó, phiên bản "remake" của điện ảnh Hàn Quốc với tựa đề Người quen xa lạ (Intimate Strangers) cũng đã gặt hái được thành công lớn tại rạp chiếu Việt vào năm 2018.

Thế nhưng, so với phiên bản Hàn, có lẽ Tiệc trăng máu lại hài hước và dễ xem hơn. Đây cũng chính là điều tạo nên chất riêng, mới mẻ hơn so với 18 phiên bản trước đó và dễ tiếp cận với khán giả Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã ưu tiên bám sát cốt truyện của Người quen xa lạ, từ đó nhấn nhá các tình tiết, tạo nên chuỗi drama không ngừng khiến người xem không rời mắt được dù chỉ một giây.

intimatestrangers04.jpg
Phiên bản "remake" của điện ảnh Hàn Quốc với tựa đề Người quen xa lạ (Intimate Strangers) - Ảnh: Internet

Bộ phim xoay quanh buổi tiệc tân gia của một cặp vợ chồng, tại đó họ gặp gỡ những người bạn cũ và chính nữ chủ nhân của ngôi nhà đã đề nghị mọi người cùng tham gia một trò chơi. Tất cả sẽ để điện thoại của mình lên bàn suốt bữa tiệc, nếu có tin nhắn hoặc điện thoại gọi đến thì chủ nhân của chiếc điện thoại phải công khai tất cả nội dung với mọi người. Chính từ trò chơi này đã tạo nên những câu chuyện dở khóc dở cười dẫn đến nhiều kết quả bất ngờ không thể đoán trước.

tiec-trang-mau1_kucj.jpg
"Tiệc trăng máu" được nhận xét nhiều tình tiết hài hước hơn phiên bản "remake" của điện ảnh Hàn - Ảnh: Internet

Thông điệp gay gắt về cuộc sống của người lớn trong cuộc sống hiện đại được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng truyền tải đến khán giả một cách chân thật, không né tránh. Đó là những câu chuyện vô cùng đời thường nhưng cũng vô cùng nhức nhối như đời sống tình dục vợ chồng, mặt trái của quá trình khởi nghiệp, góc nhìn thẳng thắn về LGBT hay tầm quan trọng của chuyện sinh con.

Bên cạnh đó là thực trạng lệ thuộc vào điện thoại thông minh của con người thời đại 4.0 nói chung. Ngày nay, điện thoại trở thành vật bất ly thân của mỗi người bởi nó cất giữ vô vàn những điều không thể chia sẻ: các mối quan hệ, bí mật trong cuộc sống và công việc… Đó dường như là một khoảng trời riêng của mỗi người, nơi họ có thể bộc lộ thật bản chất con người mình.

Nhưng đến một ngày, chính chiếc điện thoại lại là thứ phản chủ hơn bao giờ hết. Cái hay của Tiệc trăng máu là hàm chứa nhiều thông điệp khác nhau của nhiều lĩnh vực trong xã hội, nhưng bộ phim lại không bộc lộ sự quá tải về nội dung.

1600_ttm_bts_touched-10.jpg
Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn trong vai một cặp đôi thích ve vãn nhau mọi lúc mọi nơi - Ảnh: Internet

Dàn diễn viên vô cùng đắt giá gồm Thái Hòa, Hồng Ánh, Đức Thịnh, Hứa Vĩ Văn, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn cũng đã góp công không nhỏ tạo nên thành công của bộ phim. Mỗi người đều đã thể hiện tốt vai trò của họ, làm cho câu truyện trở nên mặn mà rất nhiều.

Hồng Ánh và Hứa Vĩ Văn thể hiện đúng chất của một cặp đôi trung lưu nền nã đang trong giai đoạn nhạt vị của hôn nhân. Kiều Minh Tuấn – Kaity Nguyễn lại thể hiện xuất sắc trong vai một cặp đôi thích ve vãn nhau mọi lúc mọi nơi. Cặp vợ chồng đối nghịch do Thái Hòa và Thu Trang thủ vai lại mang đến cho khán giả những trận tranh cãi kịch liệt và căng thẳng nhất. Vai diễn của Thu Trang lần này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả vì cô đã thể hiện được bản lĩnh diễn xuất của mình trong vai Thu Quỳnh – một nhà thơ sợ chồng. Đây thật sự là một dấu ấn mới của cô với nhiều cảnh đi sâu vào khắc họa nội tâm nhân vật.

mvzrgs31hqri5qaavrzajnyfkupcjajjd1inyfmh.jpeg
Thu Trang tạo nên sự đột phá mới mẻ trong vai diễn lần này - Ảnh: Internet

Cuối phim, tác phẩm đưa ra một thông điệp đầy ý nghĩa: mỗi con người có ba cuộc sống - công khai, riêng tư và bí mật. Điều này được truyền tải đầy khéo léo qua hình ảnh ẩn dụ “trăng máu” để ám chỉ bản chất con người luôn có những bí mật như một câu thoại trong phim: “Bản tính con người cũng giống như trăng máu, có thể bị che lấp đi trong chốc lát, nhưng cuối cùng thì cũng sẽ lộ ra”.

Phim chính thức công chiếu toàn quốc từ 23.10 và có suất chiếu sớm từ 20.10.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Tiệc trăng máu" - bi kịch của người lớn trong xã hội hiện đại