Không chỉ có lợi về tạo miễn dịch, tiêm kết hợp nhiều loại vắc xin COVID-19 còn giúp chính phủ các nước có thể linh hoạt hơn trong tiếp cận vắc xin và triển khai chủng ngừa.
Phần lớn vắc xin COVID-19 hiện tại đều là loại tiêm 2 mũi, nhiều khả năng phải tiêm mũi 3 nhằm đạt hiệu quả chống lại biến thể Delta của vi rút. Các mũi tiêm cách nhau vài tuần.
Tại một số quốc gia, người ta được tiêm mũi 2 bằng loại vắc xin khác với mũi đầu tiên, dựa trên nghiên cứu chỉ ra rằng làm vậy mang lại lợi ích tạo miễn dịch.
Tiêm kết hợp là chính sách ngoài ý muốn: Vào tháng 3, lo ngại về chứng đông máu sau tiêm khiến hàng loạt quốc gia (chủ yếu ở châu Âu) tạm ngừng sử dụng vắc xin của AstraZeneca. Chuyên gia y tế một số nước châu Âu đề xuất ý tưởng dùng loại khác cho lần tiêm thứ 2 với đối tượng ở nhóm tuổi nhất định, sau khi tiêm mũi đầu tiên là vắc xin của AstraZeneca mặc dù chưa hề có thử nghiệm lâm sàng nào.
Nước Đức đi đầu thực hiện tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Moderna. Canada thì dẫn lý do nguồn cung vắc xin của AstraZeneca hạn chế để triển khai tiêm kết hợp.
Lợi ích tạo miễn dịch
Tiêm kết hợp 2 loại vắc xin cùng công nghệ chẳng hạn như Pfizer với Moderna (dùng mRNA kích hoạt phản ứng miễn dịch) dường như chẳng vượt trội gì hơn tiêm đủ 2 liều vắc xin mỗi loại cả. Nhưng kết hợp vắc xin khác loại lại là chuyện khác: vắc xin khác loại kích thích miễn dịch theo cách khác nhau nên có thể hỗ trợ nhau ở mức độ nhất định.
Thử nghiệm Com-Cov do Đại học Oxford thực hiện chỉ ra rằng tiêm đủ 2 liều vắc xin của Pfizer tạo ra lượng kháng thể cao nhất có thể trực tiếp chống lại vi rút. Tuy nhiên người tiêm vắc xin của Pfizer sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca lại có được lượng tế bào T cao nhất (loại tế bào hỗ trợ giải phóng tín hiệu hóa học kích hoạt thành phần miễn dịch khác gồm cả kháng thể hoạt động).
Một thử nghiệm nhỏ tại Đức công bố hồi tháng 5 ghi nhận kết hợp AstraZeneca - Pfizer có thể kích hoạt tạo kháng thể trung hòa ở mức cao gấp gần 4 lần so với tiêm 2 mũi Pfizer. Một nghiên cứu tại Tây Ban Nha cũng xác định tiêm vắc xin của Pfizer sau lần tiêm vắc xin của AstraZeneca kích hoạt tạo kháng thể trung hòa cao gấp 7 lần so với tiêm 2 mũi AstraZeneca.
Các nghiên cứu trên vẫn chưa làm rõ một điều: Phương án kết hợp nào giúp tạo ra miễn dịch tồn tại lâu nhất và bảo vệ mạnh mẽ nhất trước nhiều biến thể vi rút.
Từng có tiền lệ
Kể từ năm 2019, hơn 200.000 người ở Rwanda đã được tiêm ngừa Ebola bằng 2 mũi vắc xin khác loại sản xuất bởi Johnson & Johnson và Bavarian Nordic A/S. Thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa HIV hay viêm gan cũng tiến hành phương án kết hợp.
Độ an toàn và tác dụng phụ
Theo số liệu sơ bộ từ thử nghiệm Com-Cov, tỷ lệ người tiêm kết hợp AstraZeneca - Pfizer bị sốt sau mũi 2 lên đến 30 - 40%, cao hơn tỷ lệ 10 - 20% ở người tiêm đủ 2 liều vắc xin mỗi loại. Nhưng cơn sốt không kéo dài và không tiềm ẩn mối nguy hiểm nào.
Nghiên cứu tại Tây Ban Nha chỉ ghi nhận tác dụng phụ nhẹ tương tự như tiêm đủ 2 liều vắc xin mỗi loại. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lại e dè trước phương án tiêm kết hợp với lý do cách làm này chưa được đánh giá về độ an toàn lẫn mức độ hiệu quả.
Chiến lược chống dịch hợp lý
Nếu xác định rõ độ an toàn lẫn mức độ hiệu quả, tiêm kết hợp có thể giải quyết vấn đề thiếu thốn vắc xin ở nhiều quốc gia. Chính phủ các nước không chịu áp lực phải đảm bảo 2 mũi tiêm đều cùng 1 loại vắc xin nữa, qua đó cho phép họ linh hoạt tiếp cận bất cứ nguồn cung nào sẵn có nào.
Hơn nữa nếu giới khoa học tìm ra phương án kết hợp giúp tạo ra miễn dịch tồn tại lâu nhất và bảo vệ mạnh mẽ nhất, mọi người sẽ an toàn hơn trước nhiều biến thể vi rút. Đây là vấn đề cấp thiết vì nhiều khả năng người dân các nước phải tiêm mũi 3 hoặc tiêm nhắc lại trong tương lai.