Các thành phố trên khắp Brazil hôm 2.7 phủ nhận bài viết nói rằng dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy họ sử dụng ít nhất 26.000 liều vắc xin AstraZeneca đã hết hạn sử dụng.
Được trích dẫn trong báo cáo của trang Folha de S.Paulo, thành phố Maringá phía nam Brazil bị cho đã sử dụng nhiều nhất các liều vắc xin hết hạn sử dụng (hơn 3.500). Thế nhưng, Maringá bác bỏ cáo buộc này và nói rằng: “Các liều vắc xin đã hết hạn trên cơ sở dữ liệu công cộng do sự chậm trễ trong việc đăng ký dữ liệu mới trong hệ thống của Bộ Y tế”.
"Không có liều vắc xin nào hết hạn ở Maringá, nhưng có một lỗi trong hệ thống của SUS (hệ thống chăm sóc sức khỏe)", Giám đốc Sở Y tế thành phố Maringá - Marcelo Puzzi cho biết. Các thành phố khác đổ lỗi cho sự nhầm lẫn về vấn đề dữ liệu tương tự.
Chính quyền địa phương São Paulo, Juiz de Fora và Belo Horizonte, những thành phố cũng được đề cập trong bài viết của Folha de S.Paulo, phủ nhận việc đưa ra sử dụng những liều vắc xin hết hạn sử dụng.
Việc triển khai vắc xin COVID-19 của Brazil đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi. Chính phủ đã chậm mua vắc xin và đang đối phó với một vụ bê bối tham nhũng được cho là xung quanh các nỗ lực mua sắm của mình.
Ngày 28.6, Thượng nghị sỹ Brazil đã đệ đơn kiện Tổng thống Jair Bolsonaro lên Tòa án Tối cao, cáo buộc ông này không chỉ đạo điều tra vụ tình nghi tham ô lớn trong việc mua vắc xin COVID-19.
Thượng nghị sỹ đối lập Randolfe Rodrigues nói đã đệ đơn khiếu nại hình sự lên Tòa án Tối cao cáo buộc Tổng thống Bolsonaro không có hành động sau khi nắm được thông tin về tham ô tại Bộ Y tế nước này.
Trên thực tế, tuần trước, một ủy ban của Thượng viện Brazil điều tra về cách thức ứng phó của chính phủ với đại dịch COVID-19 đã phát hiện Tổng thống Bolsonaro biết rõ về vụ tham nhũng liên quan thỏa thuận mua vắc xin Covaxin do Ấn Độ sản xuất trị giá 300 triệu USD nhưng không có hành động can thiệp.
Vụ kiện trên có nguy cơ gây tổn hại lớn đến Boslonaro về mặt chính trị tại thời điểm sự ủng hộ với ông giảm dần và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đang giành được nhiều sự ủng hộ hơn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Brazil vào năm tới.
Các cáo buộc tham ô tại Bộ Y tế Brazil xuất hiện liên quan đến việc thanh toán hợp đồng mua vắc xin Covaxin với một công ty Singapore.
Công ty này bị nghi ngờ là vỏ bọc đã lập hóa đơn cho Bộ Y tế Brazil thanh toán 45 triệu USD cho số lượng vắc xin chưa được chuyển giao cho nước này, thậm chí đây là loại vắc xin chưa được Brazil cấp phép sử dụng.
Vắc xin Covaxin của công ty Bharat Biotech có giá ban đầu là 1,34 USD/liều. Thế nhưng, Brazil chấp nhận trả 15 USD/liều vắc xin, đắt hơn mọi loại mà Brazil nhập khẩu.
Liều vắc xin hết hạn có thể kém hiệu quả hơn. Tại châu Phi, một số quốc gia đã tìm thấy lô hàng đã hết hạn, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc kéo dài hạn sử dụng. Vào tháng 5.2021, Malawi đã tiêu hủy gần 20.000 liều vắc xin đã hết hạn sử dụng.
Tổng thống Brazil - Jair Bolsonaro cho đến nay đã từ chối tiêm vắc xin COVID-19 và gây ra những nghi ngờ về việc tiêm chủng, thúc đẩy các phương pháp chữa bệnh bằng “phép lạ” chưa được chứng minh và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch đã giết chết hơn nửa triệu người nước này.
Theo Folha de S.Paulo, các liều vắc xin hết hạn sử dụng đến từ các lô nhập khẩu từ Ấn Độ bởi Viện Y tế Công cộng Fiocruz, hoặc được mua lại thông qua Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO).
Cả Bộ Y tế và PAHO đều không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận. Viện Huyết thanh của Ấn Độ cũng không trả lời ngay lập tức. Viện Y tế Công cộng Fiocruz cho biết họ không sản xuất bất kỳ vắc xin nào hết hạn sử dụng.
Vắc xin AstraZeneca là một trong hai loại vắc xin COVID-19 được sử dụng chủ yếu ở Brazil, cùng với CoronaVac của hãng Sinovac (Trung Quốc).
Hiện Brazil ghi nhận tổng cộng 18.687.469 ca mắc COVID-19 với 522.068 người chết và 16.989.351 trường hợp phục hồi. Trong 24 giờ qua, Brazil báo cáo thêm 65.163 ca mắc COVID-19 và 2.029 người chết.