Người kinh doanh các loại tiền không có chuẩn chung để định giá bán nhưng đối với người mua, chỉ cần thích là có thể chấp nhận bất kể giá nào.

Tiền cũ “đẻ” ra tiền mới

Một Thế Giới | 06/10/2013, 00:08

Người kinh doanh các loại tiền không có chuẩn chung để định giá bán nhưng đối với người mua, chỉ cần thích là có thể chấp nhận bất kể giá nào.

           

Cầm tờ 10.000 đồng (tiền giấy) trong tay có số series tương tự số điện thoại di động khá đẹp, anh N. Thành, nhân viên kế toán tại một công ty ở quận 1 (TP.HCM), bấm bàn phím theo dãy số và bắt đầu cuộc gọi. Thành nói đang có trong tay tờ tiền giấy 10.000 đồng với series trùng với số điện thoại của người nghe và muốn bán. Khoảng 10 phút sau, hai bên đi đến thỏa thuận giá bán cuối cùng tờ tiền giấy mệnh giá 10.000 đồng là… 1 triệu đồng.

tien cu dang giup

Tiền cũ đang giúp “đẻ” ra tiền mới cho nhiều người

Cách kinh doanh tiền giấy theo số series như Thành là khá phổ biến ở Việt Nam. Thay vì chỉ gói gọn trong lĩnh vực tiền cổ, người ta nghĩ ra thêm một số ý tưởng để kinh doanh như dãy số trùng với năm sinh, số điện thoại, biển số xe, tứ quý, thần tài, dãy số kỷ niệm… Với cách này thì có thể kinh doanh quanh năm chứ không chỉ chờ vào mỗi dịp tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiền mừng tuổi gia tăng. Chưa kể sự phát triển của kênh thương mại điện tử đã hỗ trợ rất lớn cho việc kinh doanh mặt hàng này.

Thị trường “ngầm”

Trong vai một người có nhu cầu mua tiền, tôi liên hệ trực tiếp với anh T., một nhân viên kinh doanh tại TP.HCM đam mê sưu tầm tiền cổ và thỉnh thoảng có kinh doanh tiền kiểu “tay ngang” trên trang eBay. Sau khi nghe nhu cầu, anh cho biết tờ tiền có số 197X tôi muốn mua sẽ có giá bán 250.000 đồng/tờ. Tờ tiền có số 198X sẽ rẻ hơn là 150.000 đồng vì đằng trước có hai con số khác và số 0. Tuyệt nhiên không đề cập đến mệnh giá của tờ tiền muốn mua và kết quả là tôi có tờ 198X mệnh giá 1.000 đồng (tiền giấy), tờ 197X mệnh giá 10.000 đồng (tiền polyme).

Theo những người sưu tập tiền giấy, giá trị của một tờ tiền giấy không chỉ phụ thuộc vào năm phát hành mà còn tùy vào tình huống lịch sử, hình ảnh, độ mới – cũ, số series đi kèm, số lượng hàng (phổ biến, ít hay quý hiếm) và nhu cầu thị trường. Giữa những người bán, sưu tập có quy định phí trao đổi tiền riêng (như phí đổi tiền mới Polyme là 3%/tờ) nhưng không áp dụng cho người mua thông thường.

dong tien co hinh con ho duoc phat hanh o mien nam truoc nam 1975 dang duoc san lung

Đồng tiền có hình con hổ được phát hành ở miền Nam trước năm 1975 đang được săn lùng

Hằng năm, trên thế giới đều phát hành cuốn catalogue bao gồm hình ảnh, mã số, tên gọi và mức giá cả của hầu hết các loại tiền trên thế giới qua nhiều thời kỳ, kể cả Việt Nam. Đó chỉ là thước đo giá thị trường về căn bản, giá cả còn phụ thuộc vào các yếu tố đã kể trên.

“Tờ tiền miền Nam phát hành năm 1972 có tờ in hình con hổ thì giá cao hơn so với những tờ khác. Với loại mới phát hành giá không quá 30.000 đồng/tờ nhưng nếu những tờ phát hành ngay trước ngày giải phóng miền Nam, không được lưu thông thì giá khoảng 4 triệu đồng/tờ. Tờ 100 USD có số series đẹp giá đến vài chục triệu đồng; tờ 2 USD có số 7 ở đầu dãy số series và số 8 ở sau cùng có người ngả giá 3,2 triệu đồng” – anh T. cho biết thêm.

Theo một số người kinh doanh tiền, bây giờ người ta đã ít săn lùng đồng 2 USD mà xu hướng là tiền cổ như những tờ tiền cổ có hình 12 con giáp của năm âm lịch tiếp theo và số series ý nghĩa.

Đầu nậu Trung Quốc cũng thu mua tiền cũ

Lợi nhuận là vô chừng như vậy nhưng người kinh doanh lĩnh vực này cũng không tránh khỏi rủi ro.

Anh T. cho hay: “Để biết thật hay giả thì phụ thuộc vào uy tín của người bán. Nhiều trường hợp mình chuyển tiền rồi bên giao hàng không đúng như hình, hoặc không giao. Một tôi năm bị khoảng 2-3 lần, mất khoảng 200.000-300.000 đồng. Nếu là chỗ thân quen thì có khi mình chuyển trước vài chục triệu, hoặc nhận hàng trước trả tiền sau cũng được”.

thuong lai trung quoc da

Thương lái Trung Quốc đã “đánh hơi” được thị trường này

Đáng lưu ý theo một số người kinh doanh lĩnh vực này kể lại là sự xuất hiện của đầu nậu Trung Quốc thu mua với giá cao hơn bình thường, tương tự với nhiều mặt hàng đang bị họ thu mua vô tội vạ ở nhiều địa phương hiện nay.

Cụ thể khoảng 2-3 năm trước khi giá bạc giao dịch ở mức cao, đầu cơ rất có lời thì đầu nậu Trung Quốc đến Việt Nam ồ ạt thu mua tất cả loại tiền xu bằng bạc do Pháp phát hành. Giá loại tiền này cứ thế tăng từ từ, nhiều người liền mua vô để bán lại cho thương lái Trung Quốc nhưng đến năm ngoái thì đột nhiên các đầu nậu này ngưng mua, nhiều người chỉ biết ngồi trên đống tiền xu cổ nhìn giá rớt.

Các đầu nậu Trung Quốc đang làm náo loạn thị trường bằng “chiêu” lấy giá ban đầu ra bán lại, cứ thế tiếp tục mua cho tới khi đột ngột ngưng mua vào. Sau vài vòng tăng giá, họ lại lấy lượng đã mua với giá ban đầu ra bán lại hưởng phần chênh lệch.

Song Anh

           
Bài liên quan
TS Nguyễn Minh Thảo: Cải cách môi trường kinh doanh đang có xu hướng chững lại
Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, tăng chi phí và ẩn chứa rủi ro với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền cũ “đẻ” ra tiền mới