Việc UBND tỉnh Tiền Giang phát đi công văn quyết định tạm dừng hoạt động doanh nghiệp (DN) “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp khiến một số DN lo lắng. Tuy nhiên, tỉnh sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để các DN đủ điều kiện vẫn có thể hoạt động.

Tiền Giang sẽ xét từng trường hợp cụ thể để tạm ngưng hay tiếp tục sản xuất với ‘3 tại chỗ’

Nguyên Việt | 31/07/2021, 20:50

Việc UBND tỉnh Tiền Giang phát đi công văn quyết định tạm dừng hoạt động doanh nghiệp (DN) “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp khiến một số DN lo lắng. Tuy nhiên, tỉnh sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để các DN đủ điều kiện vẫn có thể hoạt động.

Trong diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn ra chiều nay (31.7), ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tỉnh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động DN “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Việc tạm ngưng sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà máy thức ăn và DN chế biến thủy sản, nguy cơ gây đứt gãy nguồn cung sản phẩm. “Từ khó khăn đó, sở có tham mưu và UBND tỉnh cũng thống nhất sẽ xem xét từng trường hợp”, ông Nam nói. Ông Nam cũng nhắn nhủ rằng, nếu DN nào an toàn sẽ được hoạt động trở lại.

Liên quan đến vấn đề này, tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Tiền Giang quan tâm, tháo gỡ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. “Nếu cần thiết chúng tôi sẽ trao đổi với các anh ở ủy ban tỉnh Tiền Giang để xem xét từng trường hợp cụ thể”.

che-bien-ca-tra.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một DN ở ĐBSCL - Ảnh: Nguyên Việt

Trước đó, khi nhận quyết định tạm dừng sản xuất “3 tại chỗ” theo quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang đã có đơn kêu cứu với Bộ NN-PTNT mong được hoạt động tiếp tục.

Nay tại diễn đàn, bà cho biết, công ty của bà đã tổ chức "3 tại chỗ" từ lâu, không phải mới thực hiện đây. “Chúng tôi thực hiện 3 tại chỗ và ban quản lý khu công nghiệp tỉnh cũng đến khảo sát, đánh giá rất tốt”, bà Khanh cho biết.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, người được mệnh danh “nữ hoàng cá tra” phân tích rằng nếu dừng sản xuất “3 tại chỗ”, thì người lao động cũng không được về nhà vì công nhân tại nhà máy ở nhiều tỉnh khác nhau. “Nếu xét nghiệm 100% âm tính mà để họ về cũng là một mối nguy cho xã hội, bởi có thể lây nhiễm trên đường đi hoặc ở quê nhà”, bà Khanh nói.

Trong đơn kêu cứu, bà Khanh cũng trình bày rằng nếu tạm ngưng hoạt động sẽ còn dẫn đến những thiệt hại khác nghiêm trọng hơn. Như: gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận, cá tăng trưởng nhanh trong khi đó việc sản xuất “3 tại chỗ” chỉ đạt 50% công suất đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu. Nếu tạm ngưng sản xuất sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng, cá nuôi giá thành tăng cao và vượt size không bán được, lãi ngân hàng, nợ quá hạn… DN phải bồi thường cho các hợp đồng siêu thị, nguy cơ mất thị trường và phá sản… DN không thể gánh nổi.

Do đó, bà Khanh đề nghị cần phải giải quyết ngay để DN được hoạt động liên tục, chứ không phải đến ngày 5.8 tạm ngưng, rồi đến ngày 10.8 mới xem xét, như vậy sẽ gây khó khăn cho DN. Bà cam kết rằng, nếu được phép hoạt động công ty cam kết thực hiện tốt “3 tại chỗ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
39 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang sẽ xét từng trường hợp cụ thể để tạm ngưng hay tiếp tục sản xuất với ‘3 tại chỗ’