Mặc dù nguồn nước ngọt giảm sâu vào mùa nắng hạn, nhưng hiện nay nông dân tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì trồng được hàng nghìn hecta hoa màu để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng nguồn thu nhập.
Thời điểm này, nông dân tỉnh Tiền Giang trồng được gần 10.000ha hoa màu. Trong đó, ở vùng ngọt hóa Gò Công thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công, dù nguồn nước ngọt hạn chế nhưng vẫn duy trì được gần 5.000ha hoa màu.
Đa số diện tích cây màu được nông dân chọn các loại giống ngắn ngày, thích nghi với nắng hạn như: các loại rau cải, ớt, hẹ, mướp, bầu, bí... Cá biệt, tại vùng cù lao Tân Phú Đông, dù nguồn nước ngọt rất hiếm nhưng gần 2.000ha cây sả vẫn cho năng suất khá cao, giúp bà con vùng đất khó này có nguồn thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, hệ thống cống đập ở tỉnh Tiền Giang vẫn vận hành theo hướng tích ngọt, ngăn mặn để phục vụ nước cho trồng hoa màu. Hiện tại, các cống Gò Cát, Bảo Định (TP.Mỹ Tho) vẫn mở cửa khi độ mặn ở mức cho phép để lấy nước vào kênh nội đồng. Riêng cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) tổ chức lấy gạn để cấp bổ nước ngọt cho vùng Chợ Gạo - Gò Công.
Vào cao điểm khô hạn nên giá rau màu hiện nay ở mức cao; hầu hết các loại rau màu nông dân bán ra giá đều tăng từ 5 - 10% so với đầu năm. Diện tích rau màu ở tỉnh Tiền Giang không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh mà còn cung ứng cho TP.HCM. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 9 hợp tác xã sản xuất rau màu an toàn có ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, cửa hàng bách hóa ở TP.HCM với sản lượng tiêu thụ hàng chục tấn/ngày.