Trước mùa vải thiều năm nay, các địa phương là "thủ phủ vải thiều" đã lên phương án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngay từ bây giờ.

Tất bật chuẩn bị cho mùa vải thiều năm nay

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 26/03/2023, 22:00

Trước mùa vải thiều năm nay, các địa phương là "thủ phủ vải thiều" đã lên phương án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngay từ bây giờ.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà hơn 3.300ha, Chí Linh hơn 3.500ha, với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Toàn tỉnh đã có 45 vùng vải với tổng diện tích 450ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

vai-thieu-1.jpg

Riêng quả vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó, tại huyện Thanh Hà, thời gian thu hoạch vải u trứng trắng, trứng gai dự kiến bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, u hồng từ đầu tháng 6 và vải thiều chính vụ từ giữa tháng 6.

Huyện cũng sẽ phối hợp xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại một số thành phố, cửa khẩu như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh ký kết hợp tác tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử: Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee.

Năm 2023, tỉnh Bắc Giang duy trì 29.700ha vải thiều, sản lượng dự kiến đạt 160.000 tấn. Hiện các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng vải thiều, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Niên vụ vải thiều năm 2022-2023, từ đầu vụ đến nay cơ bản diễn ra thuận lợi, điều kiện thời tiết nhiệt độ, ẩm độ thấp rất phù hợp với thời kỳ phân hóa mầm hoa.

Bắc Giang có 19 mã số vùng trồng diện tích 230ha xuất sang thị trường EU, Mỹ; 38 mã số vùng trồng diện tích 297,43ha xuất sang thị trường Nhật Bản; 16 mã số vùng trồng diện tích 179,5ha xuất khẩu sang thị trường Thái Lan; 133 mã số vùng trồng diện tích 16.092ha và 317 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc...

Để đảm bảo có đủ sản lượng vải thiều đáp ứng các yêu cầu điều kiện về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND các huyện trồng vải thiều trọng điểm chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, thiết lập hồ sơ cấp bổ sung mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đề nghị thu hồi hoặc hủy bỏ đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo các yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Tỉnh đã thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... ; bố trí kinh phí hỗ trợ vật tư phục vụ sản xuất cho nông dân (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón), nơi cất giữ, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phân tích mẫu quả vải về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch; chứng nhận vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức kiểm tra, thẩm định kết quả rà soát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các huyện, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp bổ sung mã số vùng trồng đảm bảo diện tích sản xuất phục vụ xuất khẩu; phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất vải thiều, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... Chi cục cũng tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu; hỗ trợ công tác phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng trồng vải trước khi xuất khẩu.

Trao đổi với Một Thế Giới về phương án tiêu thụ vải thiều năm nay, đại diện Bộ Công Thương cho biết đang nỗ lực hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ vải thiều, nhất là trong công tác xuất khẩu, xúc tiến đưa sản phẩm vải thiều lên các trang thương mại điện tử... Trong các năm 2021, 2022, tuy ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng sản phẩm vải thiều vẫn tiêu thụ tốt nhờ được hỗ trợ bán trên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Đồng thời, để quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới; tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều. Ngoài ra, bộ cũng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ các địa phương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước.

Bài liên quan
Vải thiều bán chạy, Bắc Giang dự tính thu về 6.800 tỉ đồng
Có thể nói, đến nay mùa vải thiều Bắc Giang cơ bản đã tiêu thụ xong, sớm hơn dự kiến. Doanh thu theo đó ước tính vào khoảng 6.800 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tất bật chuẩn bị cho mùa vải thiều năm nay