Cây thốt nốt là loài cây biểu trưng của vùng biên giới An Giang. Tinh hoa của loài cây này được chị Chau Ngọc Dịu (40 tuổi, người Khmer, ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chắt lọc, sáng tạo làm thành các sản phẩm để giới thiệu đến thị trường trong và ngoài nước.

Một phụ nữ Khmer đưa mật thốt nốt Palmania sang Châu Âu

Tô Văn | 26/03/2023, 22:15

Cây thốt nốt là loài cây biểu trưng của vùng biên giới An Giang. Tinh hoa của loài cây này được chị Chau Ngọc Dịu (40 tuổi, người Khmer, ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chắt lọc, sáng tạo làm thành các sản phẩm để giới thiệu đến thị trường trong và ngoài nước.

5-chi-diu5.jpg
Chau Ngọc Dịu với sản phẩm mật thốt nốt Palmania - Ảnh: T.N

Một lần dùng thử đường thốt nốt nhập từ Thái Lan, chị Dịu nảy ra ý định chiếm lĩnh thị trường trong nước mặt hàng này, sau đó sẽ xuất khẩu. Nếu khởi nghiệp thành công, chị còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân quê hương.

Ngã rẽ sự nghiệp bắt đầu vào năm 2017, từ bỏ công việc ngân hàng và được một số bạn bè ủng hộ, chị Dịu về quê tìm hiểu quy trình sản xuất đường thốt nốt của huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.

Chị Dịu vạch ra công đoạn cần cải tiến để nâng cao chất lượng, giữ nguyên vị của mật thốt nốt, không sử dụng phụ gia bảo quản, nấu mật không quá 10 giờ sau khi thu, không dùng nhựa tái chế hứng mật, vệ sinh dụng cụ trước, sau khi lấy mật để loại bỏ vi sinh vật.

Ngoài ra, lò nấu mật cần cao ráo, nhiên liệu đốt tránh ám mùi, không mua mật tại vùng đất bị nhiễm kim loại nặng.

Yêu cầu người dân tuân thủ quy trình sẽ được thu mua mật đường đã nấu với giá cao gấp 2,5 lần. Các khâu sản xuất mật thốt nốt theo phương pháp truyền thống rất nghiêm ngặt.

3-chi-diu3.jpg
2-chi-diu2.jpg
Người lấy mật phải leo lên cây thốt nốt để lấy từ sáng sớm, tránh để mật bị chua. Sau đó, thợ nấu mật sử dụng gỗ sến để hạn chế sự lên men của mật thốt nốt - Ảnh: T.N

Chia sẻ về quy trình sản xuất, chị Dịu cho rằng, nước thốt nốt sau khi được lấy từ trên cây xuống sẽ được người nông dân sơ chế thành đường sệt.

“Tôi yêu cầu quy trình lấy nước thốt nốt phải nguyên chất, không sử dụng phụ gia, hoá chất, chỉ được được dùng gỗ cây sến để ức chế nước thốt nốt lên men, sau đó đun nước mật thốt nốt (đã loại bỏ gỗ sến) thành đường sệt và chuyển đến xưởng sản xuất của tôi”, chị Dịu nói.

Cũng theo chị Dịu, Pal trong tiếng Khmer có nghĩa là cây cọ, mania có nghĩa là đam mê.

“Vì vậy tôi đặt tên cho dòng sản phẩm mật thốt nốt Palmania này với xuất phát từ đam mê vị ngọt quê hương và mơ ước nâng tầm giá trị cho đường thốt nốt quê nhà”, chị Dịu bộc bạch.

4-chi-diu4.jpg
Sản phẩm mật thốt nốt Palmania của chị Dịu đoạt nhiều giải thưởng cao quý - Ảnh: T.N

Cuối năm 2019, cuộc thi Great Taste Awards tổ chức ở Anh, chị Dịu mang mật thốt nốt Palmania tham dự và nhận được giải hai sao (cao nhất ba sao) - giải thưởng này được xem như “Oscar trong thế giới ẩm thực”.

Năm 2020, chị Dịu còn giành Giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang, Giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp Startup Wheel, Giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL, Top 60 Techfest…

Tại quê nhà, sản phẩm đường thốt nốt đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Từ thành công đó, chị Dịu bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên xuất sang Hà Lan, Phần Lan, Anh... với nhiều tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Chị cũng đặt chi nhánh của công ty ở Hà Lan để tiện đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Hiện, mỗi năm chị Dịu xuất ra thị trường khoảng 3,6 tấn đường, thu hơn 1,2 tỉ đồng, gấp 6 lần doanh số của năm 2017-2018 mới khởi nghiệp. Công việc chị ngày càng thuận lợi, mở ra hướng làm ăn lâu dài, tạo công việc cho hàng chục hộ gia đình người Khmer, bao tiêu một phần đầu ra cho mặt hàng đường thốt nốt ở quê nhà

Thốt nốt là loài cây biểu trưng của tỉnh An Giang. Cây có tuổi thọ trên 100 năm, hơn 30 năm tuổi mới cho trái. Huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có gần 70.000 cây thốt nốt, mỗi năm thu hoạch khoảng 8.000 tấn đường.

Đường thốt nốt làm từ mật hoa thu trên cây. Mật nấu trên bếp để tách nước, tiếp tục đánh bằng máy cho dung dịch sệt lại màu vàng óng. Loại đường này khó đổ khuôn nếu không phối với đường cát, song cách làm này khiến sản phẩm mất mùi thơm và vị ngọt thanh đặc trưng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một phụ nữ Khmer đưa mật thốt nốt Palmania sang Châu Âu