Ở một số chặng bay trong nước và quốc tế, giá vé dịp 30.4 đang tăng cao từng ngày.
Giá vé đang tăng "nóng" từng ngày
Theo khảo sát trên trang bán vé của các hãng bay trong nước ngày 24 - 25.3, giá vé máy bay một số chặng từ Hà Nội và TP.HCM đến các điểm du lịch nổi tiếng trong nước đang tăng từng ngày và trở nên đắt đỏ. Chưa kể, một số chặng bay đã hết sạch chỗ giờ đẹp.
Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, theo quy định, kéo dài 5 ngày từ 29.4 đến hết 3.5. Do đó, giá vé máy bay bắt đầu tăng mạnh từ ngày 28.4. Theo đó, vé khứ hồi chặng Hà Nội - TP.HCM của hãng hàng không Vietnam Airlines vào ngày thường hiện có giá từ 4 - 5 triệu đồng, nếu đặt vé vào dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 thì hành khách phải chi tới 6 - 7 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - TP.HCM của Bamboo Airways cũng có giá từ 4 - 5 triệu đồng cho vé khứ hồi vào ngày thường, và trên 5 triệu đồng vào dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Hiện chặng bay đắt nhất là Hà Nội - Phú Quốc, mức giá cho hành khách vào các ngày thường là 6 - 7 triệu đồng/vé khứ hồi, còn vào dịp nghỉ lễ 30.4 tới thì có mức giá khoảng 8 - 9 triệu đồng cho 1 cặp vé khứ hồi.
Nhiều du khách lựa chọn là Nha Trang (Khánh Hòa), song giá vé máy bay trung bình từ Hà Nội đi Nha Trang khoảng 5 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi. Trong khi đó, nhiều giờ bay đẹp chặng này cũng đã hết chỗ.
Chị Nguyễn Hương Liên - Đại lý vé máy bay ở Hà Nội cho biết, hiện nay giá vé máy nội địa đang tăng cao từ 15 - 25%. Ngoài nhu cầu du lịch sau dịch COVID-19, thì giá nhiên liệu tăng cao cũng là nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao
Theo chị Liên, phân khúc vé rẻ của các hãng đã cạn dần, hành khách cần mua sớm để có mức giá phù hợp túi tiền. Các đường bay có nhu cầu du lịch cao trong dịp nghỉ lễ tới như: từ Hà Nội, TP.HCM đi Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Côn Đảo... mức giá cũng đang tăng cao từng ngày.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, trong vòng 7 ngày (từ 28.4 đến 4.5), Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco cung ứng 450.000 chỗ tăng 10% so với giai đoạn cùng kỳ 2019. Hãng mở thêm nhiều dải vé và khẳng định không thiếu vé dịp lễ.
Hãng hàng không Vietjet cũng tung ra các chương trình ưu đãi với 8.888 vé máy bay giá 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) với các đường bay đến Thái Lan, Singapore và Malaysia. Vé được mở bán trên hệ thống thời gian bay từ 12.4 đến 31.12.
Các hãng hàng không cho biết, giá vé hiện cao hơn so với cùng kỳ là do nhu cầu của người dân tăng. Trước đó, hãng cũng đã tung ra nhiều vé giá rẻ nhưng đều được khách mua hết. Các hãng kỳ vọng, lượng khách vận chuyển trong dịp lễ lần này sẽ tăng hơn so với cùng kỳ khi Việt Nam không chỉ mở cửa du lịch cho khách nội địa mà cả quốc tế.
Sắp tăng giá trần vé máy bay
Bộ Giao thông vận tải dự kiến từ quý 2 hoặc quý 3 năm 2023 điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, tăng trung bình 3,75% so với hiện tại.
Cụ thể, chỉnh khung giá dịch vụ hàng không (trần giá vé máy bay nội địa) so với hiện tại, đường bay từ 1.280km trở lên tăng mạnh nhất với mức 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng. Từ 1.000km đến dưới 1.280km tăng 6,25%, tương ứng 3,4 triệu đồng. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức tăng 2,89 triệu đồng (tương ứng với 3,58%).
Đường bay từ 500km đến dưới 850km, giá vé máy bay tăng trần 2,25 triệu đồng (tương ứng với mức tăng 2,25%). Các nhóm đường bay dưới 500km và đường bay kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên.
Trong khi đó, hiện các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá vẫn được thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư số 53. Lần gần nhất khung trần này được điều chỉnh tăng là năm 2015.
Vì vậy, trên cơ sở tác động của chi phí nhiên liệu, tỷ giá, Bộ Giao thông vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.
Khung trần giá vé máy bay hiện hành áp dụng từ năm 2015 tới nay, nhưng trong bối cảnh Chính phủ kiểm soát lạm phát, việc tăng giá vé máy bay luôn được cân nhắc trong bối cảnh điều hành chung. Trước đó, Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho phép tăng khung trần giá vé máy bay nội địa thêm bình quân gần 4% so với hiện hành để các hãng ứng phó với chi phí tăng cao do giá xăng dầu tăng liên tục.
Trong giai đoạn cao điểm hè năm nay (từ tháng 4 tới hết tháng 8, gồm cả dịp lễ 30.4 - 1.5), mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất được điều phối 948 chuyến bay cất/hạ cánh (slot), hiện các hãng đã xác nhận khai thác 843 slot/ngày, chỉ còn trống hơn 100 slot/ngày (chủ yếu vào khung giờ đêm).
Tương tự, với sân bay Nội Bài (Hà Nội), hiện các hãng đã xác nhận khai thác 719 slot/ngày, chỉ còn trống hơn 120 slot/ngày. Đặc biệt, năm nay các đường bay quốc tế đã cơ bản khôi phục toàn bộ, thậm chí đường bay mới được mở thêm, các hãng phải giảm khai thác nội địa để bay quốc tế. Hai sân bay lớn đã gần như kín lịch.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục làm việc thêm với các hãng hàng không để chốt phương án bay tăng cường dịp cao điểm lễ và hè sắp tới. Hiện, lịch bay tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã gần như kín. Số khung giờ còn trống để bay tăng cường không nhiều. Sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản đã kín lịch bay ban ngày, chỉ còn bố trí được bay tăng cường vào đêm.