Câu chuyện giữ hay bỏ, hay tăng trần giá vé máy bay đã gây ra nhiều tranh cãi từ lâu. Có lúc giá nhiên liệu tăng cao, các hãng hàng không đồng loạt đề nghị nới giá trần, thậm chí bỏ giá trần vé máy bay.

Tiếp tục tranh cãi bỏ trần giá vé máy bay

Tuyết Nhung | 25/02/2023, 09:13

Câu chuyện giữ hay bỏ, hay tăng trần giá vé máy bay đã gây ra nhiều tranh cãi từ lâu. Có lúc giá nhiên liệu tăng cao, các hãng hàng không đồng loạt đề nghị nới giá trần, thậm chí bỏ giá trần vé máy bay.

Các chuyên gia hàng không, kinh tế, đại diện các hãng hàng không một lần nữa lại đưa ra kiến nghị phải sớm thay đổi cơ chế điều hành giá, trong đó cần sớm bỏ giá trần vé máy bay, trước mắt là vé máy bay nội địa, trong cuộc tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" ngày 24.2.

gia-san-ve-may-bay-1-16177876315911560778199.jpg

Theo đó, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng việc duy trì giá trần giá vé máy bay ở Việt Nam hiện nay là "sự vô lý khủng khiếp". Do đó, ông đề nghị cần chấm dứt giá trần vé máy bay càng sớm càng tốt. Ông nói trên thế giới hiện nay không có nước nào quản lý vé máy bay bằng giá trần.

Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... cũng không quản lý giá trần vé máy bay mà cạnh tranh tự do hoàn toàn, thị trường quyết định. Hơn nữa, việc quy định giá trần sẽ tước đi cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của các hãng hàng không trong các giai đoạn cao điểm như giai đoạn hè (tháng 6, 7) và giai đoạn tết.

"Việc để giá trần vô hình trung sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa, bởi sự tăng trưởng của thị trường nội địa hoàn toàn không phụ thuộc vào có nhiều hay ít giá vé đắt", ông Nam nói thêm và đề xuất cần sớm bỏ trần giá vé máy bay.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào. Ông lý giải việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

Chuyên gia kinh tế tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh, cứ áp giá trần là không theo kịp. Ông cũng cho rằng bỏ giá trần thì cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp hàng không phải công khai, minh bạch hơn để người dân yên tâm không bị các hãng "bắt tay nhau ép giá" khách hàng.

Trong khi đó, trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng vẫn cần giá trần trong bối cảnh thị trường hàng không chưa có sự cạnh tranh thực sự mà vẫn có doanh nghiệp thông lĩnh thị trường.

Ông Long phân tích Nhà nước quản lý thị trường bằng 2 phương thức là Nhà nước định giá và để cho thị trường tự quyết định. Căn cứ vào tính chất của thị trường, Nhà nước sẽ quyết định dùng phương thức nào. Đối với những thị trường vẫn còn doanh nghiệp như thị trường hàng không hiện nay thì Nhà nước vẫn phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Vị chuyên gia nhấn mạnh không thể căn cứ vào số lượng hãng hàng không mà căn cứ vào tính chất của thị trường hàng không. Hiện nay thị trường hàng không có 6 hãng nội địa, song Vasco và Pacific Airlines đều là thành viên của Vietnam Airlines, còn Vietravel chiếm thị phần quá nhỏ, 3 hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways hiện chiếm tới 80 - 90% thị phần.

Vì vậy, ông Long cho rằng việc bỏ giá trần vé máy bay với đường bay có từ 3 hãng khai thác là chưa hợp lý, khó được thông qua vì vi phạm Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh.

Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay đã có từ lâu

Việt Nam hiện là một trong số ít nước áp giá trần vé máy bay. Cục Hàng không nhiều lần đề xuất bỏ giá trần khi sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng, song chưa được chấp thuận. Mới đây nhất, tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam lại đề nghị sửa đổi điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.

Cục Hàng không đề xuất, trong trường hợp đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông, cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải. Với đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc trần giá vé máy bay được gỡ bỏ.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay dịch vụ vận chuyển hàng không có tính mùa vụ cao. Chuyến bay mùa cao điểm, có giờ “đẹp” sẽ có nhiều hành khách mua vé. Thậm chí, khách sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu.

Ngược lại, chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn thường có giá vé phù hợp nhằm lấp đầy chỗ trống trên máy bay. Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng từ 10 - 15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế, và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mãi, giảm giá của hãng.

Với sự tham gia ngày càng nhiều các hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không.

Vietnam Airlines cũng từng đề xuất áp giá sàn bay nội địa khoảng 560.000 - 1.400.000 đồng để giúp các hãng bay vượt qua khó khăn đại dịch trong bối cảnh nhiều giai đoạn giá vé máy bay chạm đáy. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải chưa tính đến việc này. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng bỏ giá sàn sẽ tước cơ hội đi máy bay giá rẻ của người dân.

Bài liên quan
Giá vé máy bay là rào cản với nhiều người muốn về quê ăn Tết
Với giá vé máy bay Tết các hãng hàng không áp dụng trên chặng TP.HCM đi Vinh, Hà Nội, Hải Phòng Tết Kỷ Hợi 2019, nhiều người sẽ không thể có cơ hội đi máy bay về “ăn Tết” bởi thời gian nghỉ Tết chỉ 1 tuần, đi tàu xe về quê từ Nam ra Bắc đã mất 4 ngày; còn nếu đi máy bay để tận dụng thời gian nghỉ Tết lại khá đắt đỏ. Một gia đình 4 người nếu về quê và quay lại TP.HCM sau Tết, phải tốn ít nhất từ 25 triệu đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục tranh cãi bỏ trần giá vé máy bay