“Thương lái vận chuyển heo trên đường và chủ lò mổ đều sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo, nếu bị phát hiện thì chỉ nộp phạt vài chục triệu đồng là xong”, Sáu T. nói.

Tiết lộ động trời của đầu nậu về chuyện tiêm thuốc an thần cho heo!

Hùng Anh | 03/05/2018, 15:35

“Thương lái vận chuyển heo trên đường và chủ lò mổ đều sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo, nếu bị phát hiện thì chỉ nộp phạt vài chục triệu đồng là xong”, Sáu T. nói.

Thời gian qua, liên tục nhiều vụ tiêm thuốc an thần cho heo trước khi vận chuyển, giết mổ… được phát hiện. Dù biết tiêm thuốc như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến người dùng thịt heo, nhưng vì sao các đầu nậu vẫn lén lút làm việc này?

Tiêm thuốc an thần để heo… “chết êm ái”

Sáu T., năm nay 51 tuổi, nhưng đã có thâm niên hơn 20 năm làm đầu nậu, cung cấp heo thịt từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cho thị trường TP.HCM. Dù thịt heo rẻ hay mắc, mỗi ngày Sáu T. đều có 300 con heo đưa về các lò mổ ở Sài Gòn.

Theo lời Sáu T., gia đình ông trước đây có lò giết mổ heo ở Long An, nhưng do sợ “quả báo” vì thọc huyết heo quá nhiều nên đến đời ông thì bỏ nghề làm thịt heo mà chuyển sang thu mua, cung ứng heo sống nguyên con cho các lò mổ…

Theo lời Sáu T., những năm trước đây thuốc an thần đã được người chăn nuôi sử dụng để tiêm cho heo nái sau khi đẻ. “Sở dĩ người ta phải tiêm thuốc an thần cho heo nái vì hầu hết những con này sau khi sinh đều rất hung dữ, thường tấn công luôn chủ trại chăn nuôi để bảo vệ heo con.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp heo mẹ bị kích động sau khi đẻ dẫn đến cắn chết bầy heo con. Có thuốc an thần với liều lượng vừa đủ thì con heo mẹ không còn hung dữ, chỉ ăn rồi ngủ, heo con tha hồ bú mẹ mà không bị cắn hay bị giẫm đạp đến chết”, Sáu T. giải thích.

Khoảng 10 năm trở lại đây, giới thương lái chuyên cung ứng heo từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên TP.HCM phát hiện ra 1 công dụng khác của thuốc an thần: trước khi đưa heo thịt lên xe tải vận chuyển về Sài Gòn thì tất cả đều được tiêm 1 mũi thuốc.

Theo Sáu T., 1 xe tải chở đầy heo sống vận chuyển đi xa hàng trăm cây số luôn xảy ra chuyện heo cắn nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí giẫm đạp nhau đến chết vì không gian chật hẹp, khiến thương lái bị lỗ vốn. Khi được tiêm thuốc an thần, heo lên xe là… ngủ li bì, nên việc vận chuyển rất an toàn.

Sau khi giới thương lái truyền tai nhau “bí kíp” tiêm thuốc an thẩn để vận chuyển heo an toàn, đến lượt các chủ lò giết mổ phát hiện nếu tiêm thuốc an thần cho heo ngủ mê mệt trước khi hạ thịt thì con heo sẽ… “chết trong êm ái”, không phản kháng kêu la inh ỏi làm phiền những gia đình xung quanh lò giết mổ.

“Đặc biệt là những chủ lò giết mổ heo lậu, không đăng ký hoạt động kinh doanh, rất ưa chuộng chuyện tiêm thuốc an thần trước khi thọc huyết heo. Bởi lẽ, các chủ lò thường làm thịt heo trong khoảng thời gian từ 2 - 4 giờ sáng để kịp cung cấp cho các chợ.

Nếu không tiêm thuốc an thần, con heo sẽ kêu la rất lớn trước khi bị giết thịt. Còn con heo bị tiêm thuốc không hề kêu la phản kháng nên các cơ quan chức năng như Chi cục Thú y, Quản lý thị trường không thể nào phát hiện để đến… hỏi thăm sức khỏe chủ lò?”, Sáu T. nói.

Thuốc an thần Combistress thường được thương lái, chủ lò giết mổ tiêm cho heo - Ảnh: Thanh Anh

Theo Sáu T., hiện nay các loại thuốc an thần tiêm cho heo được bày bán công khai rất nhiều ở các cửa hàng thuốc thú y, gồm các loại như Prozil fort, Combistress, Prozil… với giá 90.000 -100.000đ/lọ, mỗi lọ tiêm được 40 - 50 con heo với liều lượng từ 0,2 - 0,5ml/con.

Thông thường trước khi giết mổ khoảng 2 giờ thì chủ lò tiêm thuốc cho heo, sau đó con heo sẽ thấm thuốc ngủ li bì, không có bất kỳ phản ứng hay tiếng kêu la nào khi các nhân công của lò mổ đem đi giết thịt.

“Tui không biết rõ thịt heo có tiêm thuốc an thần có tác hại như thế nào đến sức khỏe con người, nhưng các loại thuốc an thần tiêm cho heo bày bán công khai thì chắn chắn là họ được phép bán. Theo chỗ tui biết, hiện nay thương lái vận chuyển heo trên đường và chủ lò mổ đều sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo.

Nếu bị phát hiện thì chỉ nộp phạt vài chục triệu đồng là xong. Mới đây tui còn phát hiện nhiều thương lái, chủ lò mổ tiêm thuốc an thần xong, chờ cho heo thấm thuốc ngủ li bì thì lại tiếp tục… bơm nước để heo tăng thêm trọng lượng”, Sáu T. nói.

Thịt heo tồn lưu thuốc an thần rất nguy hiểm

Theo 1 cán bộ thú y ở Long An, hiện nay việc sử dụng các loại thuốc an thần tiêm cho động vật khá phổ biến với nhiều loại thuốc, nhưng phổ biến nhất vẫn là thuốc Prozil fort, Combistress và Prozil có chứa hoạt chất Acepromazine.

Trước đây, thuốc an thần có chứa Acepromazine được sử dụng cho con người nhằm trị giảm đau, căng thẳng, lo lắng. Nhưng do khả năng chậm đào thải khỏi cơ thể và độc tính cao nên hiện nay loại thuốc này chỉ được sử dụng trong công tác thú y, chủ yếu sử dụng cho heo mẹ mới sinh con để ngăn ngừa việc heo mẹ hung hăng kích động cắn chết heo con.

Lâu nay, nhiều chủ trại chăn nuôi heo cũng thường tiêm thuốc an thần cho heo giống quá hung hăng kích động khi thực hiện việc chuyển trại hoặc mới nhập trại. Tuy các loại thuốc an thần sử dụng trong lĩnh vực thú y đang bày bán trên thị trường đều được sự cho phép của Bộ NN&PTNT, nhưng những loại thuốc này không được phép sử dụng với heo thịt chuẩn bị giết mổ.

Rất khó phát hiện thịt heo bị tiêm thuốc an thần hoặc bơm nước - Ảnh: Thanh Anh

Nếu chủ trại chăn nuôi đã sử dụng thuốc an thần cho heo thì phải thực hiện việc cách ly thời gian từ 5 - 7 ngày sau khi tiêm để thuốc có thời gian đào thải ra khỏi cơ thể heo mới được giết mổ.

Nhưng trên thực tế thì rất khó kiểm soát việc thương lái, chủ lò giết mổ tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết thịt. “Do thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của heo và được đào thải chậm nên nếu heo vừa được tiêm thuốc rồi giết mổ ngay đưa thịt ra thị trường tiêu thụ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc rất lớn.

Bởi lẽ rất khó phát hiện hoặc kiểm soát việc sử dụng bừa bãi thuốc an thần của thương lái, chủ lò giết mổ khi họ tiêm cho heo, nên chắc chắn liều lượng sử dụng có thể rất cao so với chỉ định và sẽ tồn lưu trong thịt heo bày bán trên thị trường, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng”, 1 vị cán bộ thú y nói.

Theo tiến sĩ Lê Thanh Hiền, Trưởng bộ môn Bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (Đại học Nông lâm TP.HCM), các loại thuốc an thần tồn lưu trong thịt heo đều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, người sử dụng nhiều sản phẩm thịt heo còn tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...

Đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận… nếu ăn nhiều thịt heo có tồn dư thuốc an thần thì các triệu chứng nêu trên sẽ trầm trọng hơn người bình thường.

Hiện tại, rất khó xác định bằng cảm quan thịt heo bày bán trên thị trường có tiêm thuốc an thần hay không, chỉ có thể thực hiện tìm kiếm thuốc an thần còn tồn lưu trong thịt bằng các xét nghiệm khoa học. Tuy nhiên việc xét nghiệm đòi hỏi phải có thời gian và chi phí, trong khi hàng ngày số lượng thịt heo đưa ra thị trường rất lớn, nên việc xét nghiệm cũng không có tính khả thi.

Nhưng theo khuyến cáo của Sáu T., có vài cách để nghi ngờ thịt heo bị thương lái tiêm thuốc an thần hoặc bơm nước. “Theo lời các chủ lò mổ quen biết thì việc tiêm thuốc an thần sẽ khiến thịt heo mềm, đỏ đẹp.

Do vậy khi đi chợ, người tiêu dùng cần chú ý không nên chọn các loại thịt mềm, ướt, có màu đỏ tươi bất thường, các xớ thịt căng mọng, vì có nhiều khả năng thịt đó còn tồn lưu thuốc an thần và đã bị bơm nước”, Sáu T. nói.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
1 giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiết lộ động trời của đầu nậu về chuyện tiêm thuốc an thần cho heo!