Tín dụng xanh đang là một xu hướng mạnh mẽ và việc chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” có vai trò hết sức quan trọng. Tuy vậy, tín dụng xanh còn không ít rào cản.
Tài chính và đầu tư

Tín dụng xanh: Thiếu cơ chế, chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Hoài Lam 28/02/2024 16:05

Tín dụng xanh đang là một xu hướng mạnh mẽ và việc chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” có vai trò hết sức quan trọng. Tuy vậy, tín dụng xanh còn không ít rào cản.

Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và tái khẳng định cam kết này tại Hội nghị COP27, COP28. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và các định hướng, giải pháp đầu tư cho tăng trưởng và chuyển đổi xanh.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam từ 2022 - 2040 lên tới 368 tỉ USD.

Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) chiếm đến 50 - 60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỷ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30 - 35%.

tin-dung-xanh.jpeg
Nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam từ 2022-2040 lên tới 368 tỉ USD

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng tín dụng xanh đang là một xu hướng mạnh mẽ hiện nay. Do đó, việc chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” có vai trò hết sức quan trọng.

Theo ông Huân, tín dụng xanh ở Việt Nam cũng phát triển hơn 10 năm nay, dù chậm hơn so với thế giới nhưng với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ thời gian qua, tín dụng xanh sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. Nội dung này gần đây các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Ví dụ như phát triển thị trường trái phiếu xanh rồi đưa ra sàn giao dịch tín chỉ carbon triển khai tại các sàn chứng khoán Hà Nội.

lam.jpeg
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc ngân hàng BIDV

Ở góc độ ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV tiết lộ mục tiêu của ngân hàng này là trở thành ngân hàng Net Zero vào năm 2050. Theo đó, BIDV thành lập đơn vị chuyên biệt để nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG tại BIDV…

Cụ thể, ngân hàng chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng giảm dần các ngành gây phát thải carbon cao như nhiệt điện than, hướng đến không còn dư nợ nhiệt điện than vào năm 2035; kiểm soát giới hạn tín dụng đối với các ngành thép, xi măng, phân bón; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư cho tăng trưởng xanh; phát hành trái phiếu xanh tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông bền vững...

Nhiều rào cản phát triển tín dụng xanh

Dù vậy, theo các chuyên gia, có rất nhiều rào cản hiện nay để phát triển tín dụng xanh.

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, nguồn vốn tài trợ cho tín dụng xanh hiện nay chủ yếu là từ các quỹ impact (đầu tư tác động) nước ngoài tài trợ cho các ngân hàng Việt Nam và con số cam kết tài trợ hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn. Ngoài ra, tín dụng xanh sẽ có đặc điểm là lãi suất sẽ thấp hơn nhiều so với các khoản vay thông thường để hỗ trợ cho các DN xanh.

Chưa kể, các DN này thường là những start-up mới thành lập, lĩnh vực hoạt động cũng hoàn toàn mới ở Việt Nam.

joh03348-20231018170644262.jpeg
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM

Chính vì thế, theo ông Huân, mức độ rủi ro khi tài trợ cho các DN này sẽ rất lớn. Điều này đòi hỏi là ngân hàng cũng phải dấn thân cùng DN trong những giai đoạn đầu, chấp nhận rủi ro lớn trong giai đoạn này vì trách nhiệm xã hội và hướng đến một nền kinh tế xanh.

“Ngân hàng cũng không thể dành quá nhiều vốn cho mảng này vì nó sẽ chứa đựng nhiều rủi ro và vi phạm về các nguyên tắc quản lý rủi ro của ngân hàng”, ông Huân nói.

TS Huân cũng cho rằng các sản phẩm về tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa đa dạng, khung pháp lý còn khá sơ khai. Hơn nữa, “xanh hóa” mô hình hoạt động cũng kèm theo chi phí lớn nên các DN không quá mặn mà, nhất là DN vừa và nhỏ. Do đó, nếu ngân hàng muốn cho vay nhưng DN không có nhu cầu thì cũng khó giải ngân.

Ngoài ra, theo ông Huân, hiện nay Việt Nam cũng đang thiếu hệ sinh thái hỗ trợ cho các ngành công nghiệp xanh và tín dụng xanh. Do đó việc kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển trong các ngành công nghiệp xanh mới hay chuyển đổi mô hình kinh doanh sang xanh hóa cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu các khái niệm liên quan để ban hành quy trình; các ngân hàng thương mại cũng phải hiểu về công nghiệp xanh, kinh tế xanh để từ đó mới có thể thẩm định các dự án đầu tư xanh chuyên nghiệp và bài bản hơn.

“Dự án xanh thường tiềm ẩn rủi ro nhiều so với dự án truyền thống vì mới, ngân hàng phải chấp nhận rủi ro để dấn thân làm, như dự án điện mặt trời, điện gió. Một số DN đánh giá 5 - 7 năm thu hồi vốn, nhưng thực tế, có khi 20 năm mới thu hồi, chi phí bị đội lên, dòng tiền không như mong muốn”, ông Huân nêu.

Còn theo ông Lê Ngọc Lâm, trong quá trình triển khai, hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho DN phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.

trai-phieu-xanh-la-gi-2.jpg
Phát triển trái phiếu xanh

Ông Lâm kiến nghị cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh, bao gồm: Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.

“Điều này giúp thuận tiện cho DN trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho rằng cần xem xét quy định các tiêu chí xanh, bao gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Khi đó, DN phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững.

Thêm nữa, cần ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu, ví dụ ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững, cộng đồng và xã hội…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín dụng xanh: Thiếu cơ chế, chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư