Trang Reuters đưa tin năm thành viên nhóm Five Eyes gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand từ đầu năm 2018 đã trao đổi thông tin mật về hoạt động của Trung Quốc cho những quốc gia có cùng mối quan tâm.
Five Eyes được thành lập theo một nghị quyết đa phương 50 năm trước với mục đích chia sẻ tin tình báo. Động thái mở rộng hợp tác với những nước ngoài nhóm như Nhật Bản hay Đức là tín hiệu phương Tây mở rộng mặt trận đối phó Trung Quốc trên phạm vi quốc tế.
Hoạt động can thiệp của nước ngoài là trọng tâm nhóm nhắm đến. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng là đối tượng Five Eyes muốn đối phó.
Theo một số quan chức Mỹ: “Thảo luận với đồng minh cùng với đối tác có cùng mối quan tâm, về cách thức chống lại chiến lược quốc tế hung hăng của Trung Quốc diễn ra thường xuyên và có động lực. Từ thảo luận đặc biệt có thể tiến đến bàn bạc chi tiết về biện pháp và cơ hội hợp tác”.
Vài quan chức của Five Eyes khác tiết lộ những cuộc tiếp xúc thường được tổ chức bí mật, chủ yếu là song phương. Ngoài Đức, Nhật thì Pháp cũng có tham gia nhưng mức độ trao đổi không bằng.
Mặc dù chưa bao giờ công khai thừa nhận, nhưng một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp tháng 8 của Five Eyes đã có hàm ý mở rộng hợp tác. Tuyên bố nói rõ nhóm sẽ sử dụng “các mối quan hệ đối tác toàn cầu” và đẩy nhanh công tác chia sẻ thông tin về hoạt động can thiệp của nước ngoài.
Theo Reuters, mở rộng hợp tác Five Eyes cho thấy mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng “độc đấu” với Trung Quốc, nhưng thành viên trong chính quyền của ông vẫn đang nỗ lực tạo ra một liên minh đối phó với cường quốc châu Á một cách âm thầm. Động thái này cũng dập tắt hy vọng lôi kéo các quốc gia châu Âu đứng về phía mình chống Mỹ của Bắc Kinh.
Trung Quốc những năm gần đây không ngừng mở rộng đầu tư và hoạt động ra nhiều quốc gia, đem lại mối lo ngại can thiệp gây ảnh hưởng cho chính phủ các nước. Lần lượt Úc, Đức và Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh cố gắng can thiệp, đầu tư mang mục đích chính trị.
Cẩm Bình (theo Reuters)