Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.
Sáng 26.12, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội 2024.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, tình trạng hàng trăm nghìn người lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm dần trong những tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.
Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.
Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Tại điểm cầu TP.HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết, dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng TP.HCM vẫn đạt được 70/70 chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, trong đó nổi bật là việc giải quyết việc làm cho hơn 315.797 lượt người.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng đông lao động gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành liên quan tập trung thực hiện và đề ra các giải pháp để hỗ trợ cho người lao động bị giảm việc làm, mất việc làm nhằm ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ giới thiệu việc làm, chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc nhằm hạn chế việc đình công, ngừng việc tập thể đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da… bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng dẫn đến phải cắt, giảm lao động, việc làm.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành, các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đến nay, thị trường lao động cơ bản được phục hồi hơn so với năm 2021 và năm 2022, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm; đến nay, không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cũng thừa nhận chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu; tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút văn bản hoặc chậm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với thời hạn được giao. Một số nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu chậm triển khai.
Còn 9 địa phương chưa triển khai công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách. Hạ tầng ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác chuyển đổi số đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Việc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đối với đối tượng được thanh tra chưa được triển khai nhiều; tỷ lệ thu hồi tiền qua đôn đốc, xử lý thanh tra và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực người có công.
Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…
Chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao năm 2024 là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu đề ra.
Trong năm 2023, thanh tra toàn ngành LĐ-TB-XH đã triển khai 2.421 cuộc thanh tra (bằng 106,5% so với năm 2022) và 647 cuộc kiểm tra; ban hành 2.421 kết luận thanh tra, phát hiện 11.170 thiếu sót, sai phạm; ban hành 584 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 34,3 tỉ đồng; thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 62,6 tỉ đồng.