Tình trạng tham nhũng còn phức tạp, trong đó nổi lên các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm, y tế...

Tình trạng tham nhũng còn phức tạp, nổi cộm ở đất đai, ngân hàng, chứng khoán

Lam Thanh | 21/11/2023, 11:05

Tình trạng tham nhũng còn phức tạp, trong đó nổi lên các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm, y tế...

Báo cáo tại Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Đặc biệt, đã kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách. Từ đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức; cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện…

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế...

phong.jpeg
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Các hành vi này đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngoài ra, theo ông Phong, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Thêm nữa, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, gây dư luận không tốt; công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế.

“Thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn”, ông Phong nêu.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng khẳng định: Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ của Đảng và Nhà nước; góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, bà Nga cho biết năm 2023, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới; đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những văn bản có nội dung còn sơ hở, bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục...

nga.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Tuy nhiên, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để. Một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định.

Ngoài ra, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn có nội dung sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực vẫn còn những hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý; một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực…

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bà Nga cho rằng nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh như: Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng: tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; thực hiện cải cách thủ tục hành chính…

Ngoài ra, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được quan tâm.

Bài liên quan
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine từ chức vì liên quan đến tham nhũng
Hãng Reuters đưa tin, ngày 25.4, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky đã đệ đơn từ chức trong lúc phải đối mặt với cáo buộc liên quan đến hoạt động mua bán đất công trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình trạng tham nhũng còn phức tạp, nổi cộm ở đất đai, ngân hàng, chứng khoán