Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên ở một số lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đất đai…
Ngày 13.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 37 cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TAND), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (KSND); các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản; một số loại tội phạm tăng mạnh như: tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%...; một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong nhân dân.
Theo bà Nga, năm 2024 đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý, cụ thể như: tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng, tăng 4,31% số vụ, 7,10% số đối tượng; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp…
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2024, Ủy ban Tư pháp nhận thấy có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản...
Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra…
Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng chống có hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, về công tác thi hành án dân sự, năm 2024, hoạt động của cơ quan này đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng; việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tiếp tục được tăng cường, công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt thấp (31,69%), lượng án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn cao. Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng tăng về việc nhưng giảm về số tiền.