Những thay đổi về cơ chế chính sách và thời tiết khiến Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

TKV kêu khó vì khách hàng được tự chọn nhà cung cấp than

tuyetnhung | 20/11/2017, 15:24

Những thay đổi về cơ chế chính sách và thời tiết khiến Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và Đoàn công tác của Bộ Công Thương mới đây đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về cơ chế chính sách định hướng phát triển bền vững ngành Than.

Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh than trong 10 tháng năm 2017. Theo báo cáo của 2 đơn vị, tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tiêu thụ than trong 10 tháng năm nay gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, TKV đã sản xuất được 29,3 triệu tấn than nguyên khai, bằng 81,5% kế hoạch năm; sản lượng than tiêu thụ đạt 26,9 triệu tấn, bằng 74,7% kế hoạch năm; doanh thu đạt 87.543 tỉ đồng, bằng 82% kế hoạch năm.

Tổng Công ty Đông Bắc đã sản xuất được 4,3 triệu tấn than nguyên khai, bằng 86% kế hoạch năm; sản lượng than tiêu thụ đạt 5,6 triệu tấn, bằng 86% kế hoạch năm; doanh thu đạt 9.486 tỉ đồng, bằng 83,9% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm 2017, TKV tiêu thụ 33,5 triệu tấn, giảm 2,5 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm. Tổng công ty Đông Bắc dự kiến tiêu thụ cả năm 2017 đạt 6,3 triệu tấn, bằng 97% kế hoạch năm.

Đại diện 2 doanh nghiệp cho biết từ đầu năm 2017, chính sách của Nhà nước đối với ngành Than có sự thay đổi. Chính phủ cho phép các nhà máy nhiệt điện chạy than chủ động trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Theo đó, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định.

Như vậy, TKV chỉ đóng vai trò là một trong những kênh cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện. Việc cung cấp than của TKV được thực hiện trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng năm hoặc hợp đồng mua bán dài hạn đã được ký kết giữa TKV và các nhà máy nhiệt điện.

Một khó khăn khác là do diễn biến thời tiết, đặc biệt là quý 3 vừa qua rất phức tạp, mưa bão xảy ra trên diện rộng gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Các nhà máy điện chạy than huy động công suất thấp do EVN huy động tối đa thủy điện và nhiệt điện khí.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của ngành than như hiện nay, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết trên thế giới, than cung cấp cho sản xuất điện chiếm 60 - 80%. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là trên 80% sản lượng than trong nước cung cấp cho điện.

Xu hướng tỷ trọng sản xuất điện năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời... ngày càng gia tăng. Mặt khác, do quan ngại ảnh hưởng về môi trường nên nhiều nước thay đổi mạnh về chính sách phát triển năng lượng. Tuy nhiên, đối với châu Á và các nước khu vực ASEAN, xu hướng phát triển nhiệt điện than vẫn tồn tại, bên cạnh nhà máy điện khí và khai thác tối ưu tiềm năng thủy điện và năng lượng tái tạo.

Để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của ngành than, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương thống nhất chỉ đạo TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng than. Trong đó, cần đẩy nhanh các dự án trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Giải quyết vấn đề than tồn kho hiện nay, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ xây dựng cơ chế điều hành giá than theo thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng, điều hành xuất khẩu than theo chương trình dài hạn đối với các chủng loại than trong nước không dùng hoặc tiêu thụ không hết, cải cách thủ tục cấp phép khai thác.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ tiến hành đánh giá lại việc thực hiện Chỉ thị 21 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, nhất là quản lý tại khu vực giáp ranh, đầu nguồn, cuối nguồn. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; tăng cường phối hợp với tỉnh trong việc ổn định xã hội sau khi tái cơ cấu. Cùng với đó là xem xét để đẩy nhanh việc triển khai giai đoạn 1 dự án Nhà máy Nhiệt điện Texhong Hải Hà; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam lắp đặt trạm 220KV đảm bảo cấp điện cho KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TKV kêu khó vì khách hàng được tự chọn nhà cung cấp than