Thủ tướng nhấn mạnh tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ ngành, địa phương, vì thế tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành...

Tổ công tác của Thủ tướng không phải cấp trên của các bộ ngành, địa phương

Lam Thanh | 16/03/2021, 15:24

Thủ tướng nhấn mạnh tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ ngành, địa phương, vì thế tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành...

Ngày 16.3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng đầu nhiệm kỳ này, nhiều vấn đề đặt ra như kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là chậm xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp, nhiều cơ chế chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng nấc trung gian gây cản trở sự phát triển… Do đó, niềm tin của người dân, của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

to-cong-tac.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Để khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”, và với quyết tâm thắt chặt kỷ cương phép nước, Thủ tướng đã quyết định thành lập tổ công tác, cùng với những biện pháp khác để giải quyết ách tắc, cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên bỏ sót việc, gây cản trở sự phát triển.

Trong đó, có một việc rất khó thực hiện là cắt bỏ thủ tục bởi điều này liên quan đến cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ. Vì vậy, tại các phiên họp thường kỳ hằng tháng, Chính phủ đều nghe Tổ công tác báo cáo kết quả hoạt động để xem xét, quyết định xử lý những vấn đề đặt ra như sửa các văn bản, cắt bỏ các thủ tục…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Tổ công tác, cụ thể trong 5 năm qua đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Nhìn chung, Tổ công tác hoàn thành khá toàn diện cả 6 nhiệm vụ được giao trong Quyết định 1642 và 1289, với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm”, Thủ tướng đánh giá.

Việc thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển biến rất tích cực, đặc biệt tình trạng nợ đọng nhiệm vụ được chấn chỉnh. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm Tổ công tác ra đời. Cả nhiệm kỳ Chính phủ, số đề án chưa trình chỉ chiếm 0,5%, chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.

Thủ tướng nhắc lại, tháp tùng Thủ tướng đi công tác, làm việc với các bộ, địa phương, thì trong nội dung đầu tiên khi phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đều hỏi “nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đơn vị hoặc địa phương đã làm được đến đâu, còn những tồn tại nào”.

Theo Thủ tướng, chính công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng “tham nhũng chính sách”, tư tưởng “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cho rằng càng làm thủ công, càng tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp thì càng dễ xảy ra tiêu cực, Thủ tướng đánh giá cao Tổ công tác đã áp dụng công nghệ trong quá trình xử lý.

Chốt lại phần đánh giá, Thủ tướng tặng Tổ công tác “8 chữ”: Quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số việc. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn phòng Chính phủ là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Thời gian qua các đồng chí đã dành nhiều thời gian triển khai khá rộng, nhiều hoạt động khác nhau. Thậm chí có những việc còn chồng lấn với chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành. Các đồng chí phải chú ý tập trung một số việc trọng điểm chứ không phải tập trung nhiều quá vào cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính”, Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ ngành, địa phương, mà chỉ được sự ủy quyền của Thủ tướng trong việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện. Vì thế, Tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành. Trong quá trình này, cần hợp tác thân thiện, thẳng thắn, cùng phối hợp xử lý công việc chung.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng thành quả chỉ là bước đầu, chứ không phải say mê với thành tích mà chưa thấy những bất cập, tồn tại của đất nước, của xã hội, kể cả tổ công tác. Thủ tướng lấy ví dụ vẫn còn tình trạng trì trệ trong công việc, sự lạc hậu của một số thể chế chính sách.

Thủ tướng đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật để không còn nợ đọng. Không để tình trạng chồng chéo, vướng mắc trong thể chế hiện hành, không để ban hành sai những thể chế kìm hãm sự phát triển.

Bài liên quan
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ công tác của Thủ tướng không phải cấp trên của các bộ ngành, địa phương