Ngành Tòa án đã có phương án để áp dụng CNTT vào hoạt động xét xử; một trong những phương thức mới đó là phiên tòa trực tuyến.

Tòa án địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xét xử trực tuyến

Nhã Thanh | 29/07/2022, 17:34

Ngành Tòa án đã có phương án để áp dụng CNTT vào hoạt động xét xử; một trong những phương thức mới đó là phiên tòa trực tuyến.

Xét xử trực tuyến 3 vụ án trong ngày

Theo ông Tạ Đình Quang – Chánh án, Thẩm phán TAND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, trong tình hình hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới, chuyển đổi số là xu thế tất yếu.

Không nằm ngoài xu thế này, ngành Tòa án đã có phương án để áp dụng CNTT vào hoạt động xét xử; trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số, một trong những phương thức mới đó là phiên tòa trực tuyến.

Theo đó, ngày 27.7.2022, TAND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ mở 3 phiên tòa trực tuyến tại 2 điểm cầu, gồm điểm cầu trung tâm tại TAND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; 1 điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ để xét xử sơ thẩm công khai 3 vụ án hình sự.

toa-an-dia-phuong-day-manh-ung-dung-cntt-xet-xu-truc-tuyen.jpg
Phiên tòa xét xử trực tuyến của TAND huyện Tân Sơn tại điểm cầu Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ - Ảnh: N.A

3 bị cáo trong 3 vụ án bị đưa ra xét xử cùng về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”. Qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, 3 vị Chủ tọa đã thay mặt HĐXX tuyên bản án thích đáng đối với từng bị cáo.

Cụ thể, bị cáo Phùng Văn Tuân (SN 1981, dân tộc Mường, trú tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) 30 tháng tù. Bị cáo Hà Văn Tài (SN 1973) bị xử phạt 26 tháng tù. Bị cáo Hà Thanh Ba (SN 1998, trú tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, dân tộc Mường) bị xử phạt 30 tháng tù.

Đánh giá về phiên tòa xét xử trực tuyến ngày 27.7, theo Chánh án TAND huyện Tân Sơn, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp đảm bảo tư pháp không bị chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời (trong tình hình dịch bệnh).

Ngoài ra, vị Chánh án còn cho biết phiên tòa trực tuyến còn góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan. 

Giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí

Trước đó, TAND huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cũng đã phối hợp với Viện KSND cùng cấp mở phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên. Tại điểm cầu TAND huyện, thành phần tham gia phiên tòa gồm có HĐXX và đại diện Viện KSND. Điểm cầu tại Trại tạm giam Công an tỉnh có bị cáo và lực lượng công an làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa.

Ngày 31.3, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành xét xử trực tuyến đối với vụ án “Tàng trữ tiền giả”. Đây là vụ án đầu tiên TAND tỉnh Phú Thọ xét xử theo hình thức mới này.

toa-an-dia-phuong-day-manh-ung-dung-cntt-xet-xu-truc-tuyen-2-.jpg
TAND huyện Phù Ninh mở phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên - Ảnh: N.A

Theo lãnh đạo TAND huyện Phù Ninh, bước đầu, để thuận tiện cho việc thí điểm, nghiên cứu, rút kinh nghiệm, TAND huyện Phù Ninh và Viện KSND cùng cấp thống nhất chọn vụ án hình sự có ít người tham gia tố tụng để có thể thực hiện những phiên tòa trực tuyến đầu tiên trong phạm vi tối đa 2 điểm cầu, gồm điểm cầu trung tâm tại phòng xử án, điểm cầu thành phần tại cơ sở giam giữ.

Để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số của ngành cũng như tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, Chánh án Tạ Đình Quang cho biết TAND huyện Tân Sơn đã được trang bị hệ thống máy vi tính có kết nối mạng; có 1 cán bộ là kỹ thuật viên, đánh máy; đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án được đào tạo cơ bản có trình độ tin học văn phòng, đảm bảo có thể sử dụng và ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ.

“Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xét xử có sử dụng thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan tham gia phiên tòa ngoài phòng xử án do tòa án quyết định”, Chánh án Tạ Đình Quang nêu rõ. Đặc biệt, phiên tòa trực tuyến giúp giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan tổ chức khi tham gia phiên tòa và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, Chánh án Tạ Đình Quang cũng nêu lên những khó khăn làm ảnh hưởng đến những ưu điểm và hiệu quả của phiên tòa trực tuyến. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện xét xử trực tuyến tại Tòa án và các điểm cầu thành phần chưa đáp ứng được yêu cầu. Tại các điểm cầu thành phần còn phải cử thêm Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án có mặt trong khi cán bộ ít; cán bộ kỹ thuật chưa được đào tạo một cách hệ thống, đầy đủ.

Bài liên quan
Ứng dụng CNTT, công nghệ số tối đa khi xử lý dịch vụ công trực tuyến
Cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp, xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tòa án địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xét xử trực tuyến