Ngày 24.5, Viện Pháp tại TP.HCM thông tin cuộc tọa đàm “Cà phê và ca cao Việt Nam” sẽ diễn ra lúc 15 giờ ngày 27.5 tại IDECAF (31 Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM). Chương trình có dịch song ngữ Pháp - Việt, vào cửa tự do.
Tiếp theo chuỗi chương trình nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp - Việt Nam, trong mùa 1 - “Mùa ẩm thực”, Viện Pháp tại TP.HCM mang đến một chuyên mục đặc biệt về cà phê và ca cao thông qua cuộc tọa đàm “Cà phê và ca cao Việt Nam”.
Buổi tọa đàm này sẽ quy tụ các chuyên gia: nhà địa lý, nhà nông học, nhà phân phối... để cùng thảo luận và trao đổi về nhịp cầu giữa cà phê và ca cao, về việc đẩy mạnh ca cao thành một trong các sản phẩm được tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam, về sự giao thoa văn hóa mà 2 sản phẩm này mang lại, về các đặc thù thổ nhưỡng cũng như trách nhiệm đối với môi trường…
Đây là cơ hội để cùng thưởng thức các hương vị của cà phê và ca cao Việt Nam với sự hỗ trợ của các thương hiệu như: Marou, The Cocoa Project, Cô Thợ Socolat và Folliet; cũng như (tái) khám phá tất cả sự phong phú của cà phê và socola của Việt Nam theo một cách riêng cùng với các diễn giả đặc biệt của chương trình.
Cà phê và ca cao là hai sản phẩm du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Dần dần, cà phê đã trở thành sản phẩm tiêu dùng thông dụng, hòa nhập sâu vào đời sống của người Việt. Minh chứng, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê, còn Pháp là quốc gia đứng thứ 15 trên hành tinh về lượng tiêu thụ cà phê.
Đối với ca cao, có thể so sánh như là "vàng đen" thứ 2 của Việt Nam. Chính vì thế, socola của Việt Nam đang ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới; đồng thời những nhà sản xuất socola ngon nhất hành tinh cũng dành không ít lời khen cho hương thơm đặc biệt của loại sản phẩm này… Tuy nhiên, ca cao vẫn chưa đạt được độ thành công như cà phê đối với người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi đó, người Pháp tiêu thụ trung bình hơn 7kg socola/người/năm, tương đương mỗi người dùng gần 40 thanh socola 200gr.