Nhờ "tài chèo lái" của Trịnh Xuân Thanh, từ một tổng công ty làm ăn có lãi, hoạt động kinh doanh của PVC nhanh chóng xuống dốc với khoản lỗ lên đến hơn 3.000 tỉ đồng. Những tưởng rời khỏi PVC, con đường công danh sự nghiệp vẫn trải đầy hoa hồng song Trịnh Xuân Thanh vẫn không thoát khỏi lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế.
Ông Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966, tại Đông Anh, Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Quy hoạch đô thị.
Năm 2007, ông Thanh đầu quân cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) với các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Dưới thời của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận làm lãnh đạo, nhiều cá nhân thuộc PVC đã bị kỷ luật và xử lý hình sự. Năm 2009, sau khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT PVC, ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên HĐQT lúc đó đã chủ trương thành lập Công ty CP Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME), với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm Giám đốc.
Tuy nhiên, do năng lực ban lãnh đạo công ty yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối.
Chính vì vậy, vào tháng 9.2012, Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, sau đó khởi tố 15 bị can liên quan đến các sai phạm tại PVC-ME.
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, đến năm 2012, tại PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ với khoản tiền hơn 576 tỉ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, Trịnh Xuân Thanh và ban lãnh đạo PVC trong giai đoạn đương nhiệm còn làm PVC thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thua lỗ hơn 4.000 tỉ đồng.
Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.298 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Khi Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chèo lái, PVC đã dành tới 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và mắc cạn trong nợ nần.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của PVC âm 1.847 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 1.338 tỉ đồng. Cũng trong năm này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải chi trên 1.000 tỉ đồng để mua lại phần lớn số cổ phiếu phát hành thêm của PVC, giúp doanh nghiệp này thoát cảnh thâm hụt dòng tiền.
Sang năm 2013, PVC tiếp tục rơi vào vòng xoáy thua lỗ, mất cân đối dòng tiền, lỗ gần 2.230 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 1.623 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2013, công ty mẹ lỗ hơn 3.850 tỉ đồng.
Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy, nhưng vào tháng 5.2013 Trịnh Xuân Thanh rời khỏi vị trí “Chủ tịch HĐQT PVC và sau đó được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Tiếp đó, Trịnh Xuân Thanh được nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Đến tháng 5.2015, ông Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Hơn 1 năm sau, ngày 9.6.2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố, ông Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành.
Sự nghiệp và con đường thăng tiến của Trịnh Xuân Thanh bắt đầu được dư luận chú ý đến vào cuối tháng 5.2016 khi chiếc xe ô tô Lexus LX570 có giá trị gần 6 tỉ đồng gắn biển kiểm soát công vụ 95A-0699 lưu thông trên nhiều khu phố của Cần Thơ bị lộ diện.
Theo các cơ quan chức năng, chiếc ô tô Lexus LX570 nói trên là phương tiện đi lại của ông Trịnh Xuân Thanh. Bắt đầu từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra và toàn bộ quá trình bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh vào các chức vụ quan trọng bị phơi bày.
Ngày 9.6.2016, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao UB Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Bộ Công an; Ban cán sự đảng các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tỉnh uỷ Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí, dư luận đã nêu về vụ việc này.
Tổng Bí thư yêu cầu kiểm tra quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh qua các chức vụ và việc Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh.
Ngày 15.7, Hội đồng Bầu cử Quốc gia không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với ông Trịnh Xuân Thanh.
Tại kỳ họp lần thứ 6 từ ngày 6-8.9, UB Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo UB Kiểm tra Trung ương, những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 16.9, Trịnh Xuân Thanh bị truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Duyên Duyên