Trong Quy hoạch điện VIII, điện hạt nhân có thể được xem xét xây dựng tại 3 vùng: Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ.
Bộ Công Thương hiện xin ý kiến góp ý dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, Quy hoạch điện VIII đã đề cập đến khả năng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
Theo nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22.11.2016 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, điện hạt nhân sẽ không được đưa vào đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Giai đoạn sau năm 2030, các thông số kinh tế kỹ thuật của loại hình điện hạt nhân sẽ được đưa vào mô hình tính toán quy hoạch nguồn điện theo tiêu chí tối thiểu chi phí (bao gồm cả chi phí ngoại sinh của các loại hình phát thải) và các ràng buộc khác, để mô hình lựa chọn quy mô phát triển trong tương lai.
Trong bản quy hoạch này, vị trị tiềm năng để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân gồm 8 vị trí trong Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân. Đó là:
Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; thôn Lộ Liêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Luân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận; thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Như vậy, điện hạt nhân có thể được xem xét xây dựng tại 3 vùng: Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, dù có tiềm năng xây dựng về mặt vị trí nhưng việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ có chi phí đầu tư cao, khoảng hơn 6.000 USD/kW do nhu cầu bổ sung với các biện pháp đối phó với sóng thần, các biện pháp đối phó với động đất và các biện pháp đối phó khủng bố.
Không giống như các loại hình công nghệ mới, chi phí đầu tư điện hạt nhân sẽ rất khó giảm trong tương lai do yêu cầu an toàn cao và tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam thấp. Với Quy hoạch điện VIII, nguồn điện hạt nhân được đánh giá là có khả năng linh hoạt kém, công suất đầu ra thay đổi rất chậm, luôn phải chạy đáy biểu đồ phụ tải.
Do vậy, chỉ trong trường hợp tính toán kịch bản cực đoan như chi phí phát thải rất cao thì mới xuất hiện nguồn điện hạt nhân trong mô hình tính toán quy hoạch. Còn khi giá CO2 thấp hơn, mô hình sẽ tăng cường phát triển năng lượng tái tạo với nguồn điện linh hoạt.
"Như vậy, do chi phí xây dựng khá cao nên để có thể phát triển nguồn điện hạt nhân cần phải có chính sách của nhà nước, việc đưa vào phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ làm tăng chi phí hệ thống điện, nhưng sẽ tăng cường an ninh năng lượng trong nước hơn so với kịch bản không phát triển nguồn điện hạt nhân", Bộ Công Thương đánh giá.