Lý tưởng nhất thì chúng ta bắt đầu ngay từ vạch xuất phát, chính là chương trình giảng dạy dành cho những người sắp làm cha mẹ.

Tôi ổn – Bạn ổn: Giúp trẻ bằng cách giúp đỡ cha mẹ chúng, nhưng bắt đầu từ đâu?

H.V | 19/09/2022, 10:46

Lý tưởng nhất thì chúng ta bắt đầu ngay từ vạch xuất phát, chính là chương trình giảng dạy dành cho những người sắp làm cha mẹ.

Chương trình này được thực hiện ở thành phố Sacramento từ năm 1965, bởi vợ chồng Tiến sĩ Erwin Eichhorn. Ông là một bác sĩ sản khoa và bà là giảng viên ngành điều dưỡng tại Đại học Sacramento City.

Đừng học cách cư xử của Cái Tôi Cha Mẹ

Một trong những hiểu biết hữu ích nhất trong việc nuôi dạy con là nhận thức được vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN đang hiện diện. Đứa trẻ lớn lên nương theo vị thế ỔN của người mẹ. Nó cảm thấy KHÔNG ỔN, nhưng miễn là mẹ nó cảm thấy ỔN thì vẫn còn điều gì đó nó có thể dựa vào. Giá trị sự vỗ về của cha mẹ đối với đứa trẻ tương ứng một cách chính xác với giá trị mà đứa trẻ nhìn thấy ở cha mẹ mình.

Rất dễ dàng nhận thấy rằng khi Cái Tôi Trẻ Em của người mẹ bị cuốn vào tương giao Cái Tôi Trẻ Em của trẻ thì đứa trẻ này sẽ cảm nhận rằng thế giới của nó thật xấu xa, tồi tệ. Một bên là Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN và bên còn lại cũng là Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN. Nếu loại tương giao này chiếm ưu thế trong cuộc sống đầu đời của một người, nó sẽ hình thành vị thế sống TÔI KHÔNG ỔN – BẠN KHÔNG ỔN, hoặc cực đoan hơn là vị thế TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN.

Người mẹ và người cha (đặc biệt là người mẹ, vì đó là người có ảnh hưởng nhất tới đứa trẻ trong những năm đầu đời) phải nhạy cảm với Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN của chính họ. Nếu Cái Tôi Trẻ Em của người mẹ có một vị thế KHÔNG ỔN mạnh mẽ, nó có thể dễ dàng bị “câu ra” bởi những trục trặc trong cuộc sống, hoặc bởi những chướng ngại, những thất vọng như hành vi cố chấp của đứa trẻ vốn cũng có một Cái Tôi Trẻ Em KHÔNG ỔN. Với người mẹ, cánh cửa được mở ra cho Cái Tôi Trẻ Em đến nắm quyền, điều này kích hoạt loạt sự kiện có tính thoái lui, lùi ngày càng xa về những trò chơi xưa cũ “Của tôi tốt hơn của bạn” và người mẹ giành chiến thắng ở vòng cuối cùng bằng trò chơi “Tôi to lớn hơn”.

toi-on-ban-on-quote-4.jpg

Dễ dàng nhận thấy rằng chỉ thông qua Cái Tôi Người Lớn, đứa trẻ mới có thể học được những cách sống hiệu quả hơn. Nhưng đứa trẻ sẽ hỏi: “Làm thế nào để ta phát triển một Cái Tôi Người Lớn trong khi chưa từng chứng kiến nó?”. Trẻ em học bằng cách bắt chước. Một trong những cách hiệu quả nhất mà một đứa bé có thể phát triển Cái Tôi Người Lớn của mình với các vòng lặp kiểm soát ngày càng mạnh mẽ là có cơ hội quan sát cha mẹ chúng, khi mà Cái Tôi Trẻ Em của cha mẹ rõ ràng đã bị “câu ra” và đang giành giật quyền chỉ huy bằng một cơn giận dữ bộc phát, thì họ kiểm soát Cái Tôi Trẻ Em của mình và duy trì phản ứng bằng Cái Tôi Người Lớn, nói một cách khác, họ phản ứng một cách hợp lý và thận trọng.

Khi một đứa trẻ năm tuổi nói “Cha ơi, đừng tận dụng Cái Tôi Cha Mẹ của cha” thì nó đang truyền đạt sự hiểu biết rằng người cha cũng có “các thành phần cái tôi”, rằng cha nó có một Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em có thể bị “câu ra”. Khi người cha nói với đứa trẻ năm tuổi “Nếu con cứ tiếp tục làm như vậy, con sẽ gọi ra Cái Tôi Cha Mẹ của cha và cả hai cha con ta sẽ đều cảm thấy tệ đấy”, ông sẽ mở đường cho sự chấp nhận của hai Cái Tôi Người Lớn, rằng cả hai người đều đang có những cảm xúc nhất định và có thể bị đẩy đi quá xa.

Vị thế Người lớn – Người lớn này không thể phát triển nếu như người cha hét lên: “Nếu con lại tái phạm thì cha sẽ đánh đòn con!”. Tất cả những gì mà kiểu cư xử này làm được là làm tắt “chiếc máy tính” ở trẻ, khiến nó không thể suy nghĩ về ưu khuyết điểm của “những gì nó đã làm”, tất cả những gì đọng lại là thực tế nó sẽ bị ăn đòn. Và thế là kết thúc bài học. Người cha có lẽ đã học cách cư xử đó từ chính người cha của mình, những vòng lặp vô tận.

Phải tôn trọng Cái Tôi Người Lớn của đứa trẻ

Một tương giao đặc biệt gây rối loạn tổ chức đối với một đứa trẻ là khi cha mẹ trả lời một yêu cầu nào đó của đứa trẻ bằng tất cả những lý do dài dòng tại sao nó không nên làm điều đó, thay vì chỉ nêu rõ lý do chính. Nếu lý do chính đó không đủ mạnh để được thể hiện bằng thuật ngữ đơn giản, thì có lẽ nó nên bị loại bỏ.

Một đứa bé sáu tuổi bước vào nhà bếp, đi cùng là bốn đứa bạn chơi chung. Thời điểm lúc đó là bốn giờ bốn mươi lăm phút chiều. Người mẹ đang chuẩn bị bữa tối và đang nếm thử thức ăn. Đứa con sáu tuổi nói: “Mẹ ơi, chúng con có thể ăn cái gì đó không?”.

Người mẹ đáp lại với miệng đang ngậm thức ăn: “Không, gần đến giờ ăn tối rồi. Nếu con ăn bây giờ, con sẽ không ăn nổi bữa tối. Ra ngoài và chơi với bạn đi. Con cứ luôn làm bẩn nhà bếp. Tại sao con không bao giờ chịu dọn dẹp thứ gì cả vậy?”. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho Cái Tôi Cha Mẹ của người mẹ giày vò đứa trẻ với một lô lốc những điều “còn nữa” mang tính răn dạy. Đứa trẻ đau khổ và bỏ đi.

toionbanon-6-1tg.jpg

Trong trường hợp diễn ra, người mẹ đã nạp những sự bất nhất, tạo ra những thắc mắc trong tâm trí đứa trẻ: “Tại sao mẹ thì đang ăn mà chúng con không thể ăn? Có gì sai với chuyện no nê chứ? Mẹ đang no nê đó thôi. Mẹ cũng làm bẩn nhà bếp mà”. Đối với đứa trẻ, đó giống như một sự đàn áp, nếu không muốn nói là một kiểu chọc điên, giống như khi một người trưởng thành yêu cầu ông chủ mình tăng lương, anh ta sẽ được nghe đọc toàn bộ Mười Điều Răn.

Các bậc phụ huynh sẽ thành công trong việc rèn luyện con cái nếu họ dựa vào những lý lẽ tốt nhất. Việc này cho Cái Tôi Người Lớn của đứa trẻ một cơ sở vững chắc để xử lý và “máy tính” của nó sẽ không phải tải xuống các dữ liệu không cần thiết. Đứa trẻ cũng sẽ có cơ hội để thực hiện tương giao với lòng tự trọng thay vì cảm giác KHÔNG ỔN tràn ngập. Bạn kiềm chế việc ra rả vào tai nhân viên của bạn Mười Điều Răn vì bạn tôn trọng Cái Tôi Người Lớn của anh ta; nếu bạn muốn Cái Tôi Người Lớn trong đứa con của bạn phát triển, bạn cũng phải tôn trọng nó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôi ổn – Bạn ổn: Giúp trẻ bằng cách giúp đỡ cha mẹ chúng, nhưng bắt đầu từ đâu?