Các kỹ sư Hàn Quốc của SK Engineering & Construction đã nhận thấy con đập của họ sẽ vỡ, trước 24 giờ khi những dòng nước đầu tiên phá tan con đập, thế nhưng việc sơ tán lại không được thực hiện đúng lúc.
Trong 24 giờ trước khi đập vỡ, các kỹ sư Hàn Quốc và Lào đã chạy đua với thời gian để cứu đập Xe-Pian Xe-Nomnoy, trước khi nó đổ sập vào ngày 23.7, giải phóng hàng tỉ mét khối nước xuống hạ nguồn, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng trăm người khác mất tích.
Con đập hiện chưa hoàn thành, sẽ là một trong những đập thủy điện lớn nhất châu Á trong tương lai, đã chứng minh rằng nó không thể trụ được trước những cơn mưa lớn trong nhiều ngày. Tuy nhiên, câu hỏi lớn được đặt ra là tiêu chuẩn an toàn khi thi công liệu đã đủ.
Xe-Pian Xe-Nomnoy là một đập thủy điện liên doanh, với phần lớn số vốn thuộc về Hàn Quốc, Thái Lan và một phần nhỏ thuộc về nước chủ nhà Lào. Tổng thầu xây dựng công trình khổng lồ này là SK Engineering & Construction, nắm 26% vốn xây dựng đập.
Công ty Hàn Quốc này hiện không trả lời truyền thông, đang trong thời gian đánh giá nguyên nhân của vụ vỡ đập. Chính phủ Lào chưa trả lời truyền thông liên quan đến thảm họa này.
Cả SK Engineering & Construction và đối tác Thái Lan của họ là Ratchaburi Electricity Generating Holdings, đều cho biết họ nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại cho sự tồn vong của đập vào lúc 9 giờ tối ngày 22.7, tức trước khi con đập bắt đầu vỡ tới gần 24 tiếng.
Theo chủ đầu tư, họ phát hiện cái gọi là đập yên (được thiết kế để chuyển hướng dòng sông) có dấu hiệu hư hại hôm 22.7, họ bắt đầu tiến hành sửa chữa khẩn cấp nhưng bất thành vì thời tiết xấu, mưa lớn.
Lúc 3 giờ sáng ngày 23.7, các kỹ sư Hàn Quốc đã triển khai một máy bơm ứng cứu để hút nước từ con đập nhánh. giảm áp lực lên bờ mặt của đập. Phải tới trưa 23.7, SK Engineering & Construction mới cảnh báo chính quyền Lào rằng có thiệt hại lớn ở đập,nên sơ tán các ngôi làng lân cận. 8 giờ tối đêm đó, con đập vỡ, gây lũ lụt cho những ngôi làng ở hạ nguồn, cư dân hoàn toàn không sơ tán kịp.
Ngày hôm sau, Lào xác nhận rằng 8 ngôi làng chìm trong nước lũ. Những hình ảnh đầu tiên về việc dân làng phải trèo lên nóc nhà để tránh lũ bắt đầu được truyền thông Lào đăng tải.
Hội Chữ thập đỏ và LHQ đang huy động gạo và mì ăn liền, thiết bị lọc nước để gửi đến hiện trường vụ thảm họa ở Lào. SK Engineering & Construction đã cử trực thăng, tàu thuyền, thiết bị y tế trong khi Ratchaburi Electricity đã gửi các nhóm cứu hộ của riêng mình đến nơi thảm họa.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để ổn định tình hình càng sớm càng tốt", Cho Khi-haeng, giám đốc điều hành của SK Engineering & Construction tuyên bố hôm 25.7.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay Seoul sẽ đóng góp vào nỗ lực cứu hộ, không phát ngôn gì thêm khi nguyên nhân thảm họa vẫn đang được điều tra.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là việc sơ tán người dân đã thất bại. Đáng lý ra có thể làm được điều này khingười ta biết thông tin con đập sẽ vỡ trước lúc nó vỡ tới 24 giờ.
Ái Vi (theo The Wall Street Journal)