Hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) được kỳ vọng tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia, tổ chức trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành các tỉnh phía Nam.

Tổng cục Đường bộ hướng dẫn cấp thẻ nhận diện phương tiện, tạo ‘luồng xanh’ lưu thông hàng hóa

Nguyên Việt | 09/07/2021, 18:03

Hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) được kỳ vọng tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia, tổ chức trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành các tỉnh phía Nam.

Trong bối cảnh TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ hôm qua (8.7) đã phát đi công văn hỏa tốc, hướng dẫn tạo thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân từ có liên quan từ TP.HCM đi các địa phương và ngược lại cũng như phương tiện đi qua địa bàn TP.HCM trong thời gian này.

Theo đó, sẽ thực hiện cấp thẻ nhận diện phương tiện được phân luồng thuộc diện tạo "luồng xanh". Trên thẻ nhận diện sẽ có mã QR để kiểm tra thông tin phương tiện và lộ trình di chuyển đăng ký.

Loại hình vận chuyển được cấp thẻ nhận diện được chia ra làm 3 loại. Thứ nhất, xe ô tô từ các địa phương khác vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp được lưu thông đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại.

cac-phuong-tien-cho-lam-thu-tuc-qua-chot-kiem-dich-tren-quoc-lo-1a-doan-qua-can-tho.jpg
Các phương tiện nối đuôi nhau chờ qua chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Cần Thơ sáng 9.7 - Ảnh: Nguyên Việt

Thứ hai, xe ô tô từ các địa phương vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan được lưu thông đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại.

Thứ ba, xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn TP.HCM.

Đối tượng thực hiện là Sở GT-VT các địa phương; các đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng hóa; người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe); người bốc xếp, xếp dỡ theo xe; ô tô phục vụ vận chuyển hàng hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, xe ô tô vận chuyển hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp; xe ô tô vận chuyển công nhân, chuyên gia, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Thời gian thực hiện hướng dẫn là trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo hướng dẫn tạo "luồng xanh" của Tổng cục Đường bộ, cơ quan chức năng trên đường, tổ kiểm soát tại địa phương thông qua mã QR trên giấy nhận diện, các đơn vị chức năng có thể sử dụng phần mềm để quét mã QR. Mã nhận diện sẽ được kết nối với phần mềm của Sở GT-VT TP.HCM và hiện đầy đủ thông tin liên quan đến phương tiện để từ đó tạo thuận lợi cho phương tiện được lưu thông nhanh nhất.

Phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông quá cảnh qua TP.HCM được đề ra cụ thể như sau:

Thứ nhất, hướng lưu thông từ miền Tây (Long An) đi Bình Dương, Bình Phước và ngược lại: lộ trình 1: quốc lộ 1 - quốc lộ 62 - quốc lộ N2 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - quốc lộ 13 - tỉnh Bình Dương, Bình Phước; lộ trình 2: cao tốc TP.HCM -Trung Lương - quốc lộ 1 - quốc lộ 13 - tỉnh Bình Dương, Bình Phước.

Thứ hai, hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây (Long An) về Đồng Nai và ngược lại: lộ trình 1: quốc lộ 1 - quốc lộ 62 - quốc lộ N2 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - quốc lộ 13 - Phú Lợi - Mỹ Phước - Tân Vạn - quốc lộ 1K - tỉnh Đồng Nai; lộ trình 2: tỉnh lộ 8 - quốc lộ 22 - quốc lộ 1 - cầu Đồng Nai - quốc lộ 51 - tỉnh Đồng Nai; lộ trình 3: quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội - đường D1 (khu công nghệ cao) - đường D2 - Võ Chí Công - cao tốc TP.HCM Long Thành Dầu Giây- tỉnh Đồng Nai; lộ trình 4: quốc lộ 1(hoặc cao tốc TP.HCM - Trung Lương, quốc lộ 50) - Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - Võ Chí Công - cao tốc TP.HCM-Long Thành Dầu Giây.

Thứ ba, hướng lưu thông từ miền Tây (Long An) đi Tây Ninh và ngược lại: lộ trình 1: quốc lộ 1 - quốc lộ 62 - quốc lộ N2 - ĐT 825 - ĐT 822 - tỉnh lộ 7 - quốc lộ 22 - tỉnh Tây Ninh; lộ trình 2: quốc lộ 1- quốc lộ 22 - tỉnh Tây Ninh.

Còn hướng lưu thông từ tỉnh Tây Ninh về tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và ngược lại: lộ trình 1: quốc lộ 22 – tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù – quốc lộ 13 – Phú Lợi – Mỹ Phước – Tân Vạn - ĐT 743A – cầu Đồng Nai – quốc lộ 51- tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; lộ trình 2: quốc lộ 22 – quốc lộ 1 – cầu Đồng Nai- quốc lộ 51- tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; lộ trình 3: quốc lộ 22 - quốc lộ 1 – xa lộ Hà Nội – đường D1 (khu công nghệ cao) – đường D2 - Võ Chí Công – cao tốc TP.HCM - Long Thành Dầu Giây - tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng cục Đường bộ hướng dẫn cấp thẻ nhận diện phương tiện, tạo ‘luồng xanh’ lưu thông hàng hóa