Trong chưa đầy một tháng, CHDCND Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cho thấy ông Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu ra oai với Triều Tiên, khi bị Bình Nhưỡng thách thức, theo báo Washington Post ngày 29.7.

Tổng thống Hàn Quốc tỏ thái độ cứng rắn với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa

29/07/2017, 20:51

Trong chưa đầy một tháng, CHDCND Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cho thấy ông Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu ra oai với Triều Tiên, khi bị Bình Nhưỡng thách thức, theo báo Washington Post ngày 29.7.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp sáng 29.7-Ảnh AP

Suốt thời gian tranh cử và từ khi làm Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5, ông Moon có những quan điểm ‘bồ câu’, liên tục thể hiện ý muốn làm thân với Triều Tiên, nhưng đáp lại là sự im lặng của Bình Nhưỡng, rồi Triều Tiên phóng 2 quả ICBM vào các ngày 4.7 và 28.7.

Seoul chấm dứt chuyện “xin xỏ” Bình Nhưỡng

Theo tờ Washington Post, ông Moon nghiêm mặt sáng 29.7 sau khi hay tin Triều Tiên phóng quả ICBM, rồi vội ra lệnh quân đội cùng Mỹ tập trận phóng tên lửa, và ông ủng hộ việc tăng sức ép mạnh hơn cũng như sự trừng phạt Bình Nhưỡng.

Sau cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia, thông báo của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cũng nói ông Moon muốn Hội đồng bảo an LHQ thảo luận về các lệnh trừng phạt mới, nghiêm khắc hơn với Triều Tiên.

Tiếp đó, ông Moon Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu tổ chức thảo luận với Mỹ, để Mỹ tăng số đầu đạn trên tên lửa của Hàn Quốc.

Ông Moon cũng thay đổi đường lối trước đó, khi ông lệnh cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đàm phán với Mỹ, để Mỹ dàn thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại phía nam Hàn Quốc.

Đấy là những dấu hiệu cho thấy vị lãnh đạo sẵn sàng ‘xử’ cứng hơn với Triều Tiên. Koh Yu-hwan, một chuyên gia ở Đại học Dongguk (Hàn Quốc) và là cố vấn chính sách của ông Moon, nói: “Tổng thống không còn cách nào khác, khi đã qua giai đoạn mà những nỗ lực của Hàn Quốc đã bị xem là “xin xỏ” Bình Nhưỡng chấp nhận đàm phán.

Yoon Young-chan, thư ký báo chí của ông Moon, dẫn lời ông nói tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc: “Các bộ liên quan chính sách đối ngoại và an ninh phải làm việc với các đồng minh của chúng ta, gồm Mỹ, để bảo đảm vụ khiêu khích hôm nay bị vấp phải một phản ứng nghiêm khắc của quốc tế, như các biện pháp của Hội đồng bảo an LHQ”.

Vị thư ký còn nói Tổng thống Moon chỉ đạo các quan chức chính phủ xem xét khả năng đơn phương trừng phạt Triều Tiên”.

Trong các tuyên bố do Nhà Xanh và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phát đi, Seoul làm rõ rằng chưa từ bỏ hy vọng Hàn-Triều đàm phán.

Nhưng Tổng thống Moon cũng nói vụ phóng ICBM mới nhất khiến có nguy cơ “thay đổi sâu sắc” an ninh khu vực, và ông nhấn mạnh việc cần “những biện pháp mạnh mẽ và thực tiễn” có thể làm đau Bình Nhưỡng và Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng phát triển-sở hữu vũ khí hạt nhân.

Quân đội Hàn Quốc phóng tên lửa để thị uy sáng 29.7

Bình Nhưỡng chỉ muốn làm việc với Mỹ, gạt Hàn Quốc ra rìa

Trước đây, ông Moon chỉ trích chủ trương cứng rắn đối với Triều Tiên của hai “diều hâu” tiền nhiệm là ông Lee Myung-bak và bà Park Geun-hee.

Ông nói đường lối này không chặn được Triều Tiên đạt tiến bộ với chương trình hạt nhân và tên lửa, và làm hạ thấp tiếng nói của Hàn Quốc trong các nỗ lực quốc tế để làm việc với Triều Tiên.

Nhưng các nhà phân tích người Hàn Quốc cho rằng cuối cùng, ông Moon cũng sẽ bắt chước chính sách của bà Park, người từng thể hiện sự linh động trong cách làm việc với Triều Tiên, trước khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hai lần rồi tiếp đó là ồ ạt những vụ thử tên lửa trong năm 2016.

Thực tế là Hàn Quốc không có nhiều giải pháp để làm việc với Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không quan tâm chuyện đàm phán với Seoul, trước khi ông đạt được ý đồ về tên lửa và VKHN, theo các chuyên gia nhận định.

Sau lần Triều Tiên phóng quả ICBM ngày 4.7, ông Moon đã có những đề xuất đầy tham vọng để làm thân với Bình Nhưỡng. Ông tái khẳng định ý muốn đối thoại, trong một diễn văn ở hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức.

Khi trở về nước, ông Moon đề nghị những cuộc đàm phán giữa quân đội và Hội Chữ thập đỏ của Hàn-Triều, nhằm kéo giảm sự thù địch ở vùng biên giới.

Ông còn đề nghị nối lại những cuộc đoàn tụ của các gia đình thất lạc nhau khi bị chia rẽ do Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Nhưng Bình Nhưỡng suốt nhiều tuần qua luôn chỉ trích các bình luận của Tổng thống Moon, phớt lờ các đề nghị đàm phán của ông, rồi phóng quả ICBM thứ hai đêm 28.7.

Park Hyung-joong, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Thống nhất liên Triều (ở Seoul) nói: “Miền Bắc làm việc theo kế hoạch đã vạch cho chương trình phát triển tên lửa và VKHN, và sẽ không bị tác động từ bất kỳ đề nghị đàm phán hoặc tăng cường trừng phạt của Hàn Quốc”.

Chuyên gia Koh của Đại học Dongguk chung quan điểm trên, nói những vụ phóng ICBM cho thấy Triều Tiên xem tình hình hiện nay là giữa Bình Nhưỡng với Washington, không thể giải quyết ở cấp độ liên Triều.

Ông nói sẽ là sai lầm, nếu tiếp tục xem việc Triều Tiên phóng tên lửa nhằm đòi những nhượng bộ của quốc tế, vào lúc Triều Tiên theo đuổi một mục tiêu hạt nhân để chống Mỹ.

Chuyên gia Koh nói: “Đàm phán Hàn-Triều sẽ rất khó xảy ra. Triều Tiên chưa trả lời các đề nghị của Hàn Quốc, và miền Nam không muốn bị xem là “xin xỏ” miền Bắc. Quả bóng hiện ở phía chính phủ Mỹ, và tình hình sẽ được quyết từ những lựa chọn của Mỹ... Tất cả những gì hiện nay Seoul có thể làm, là tự tập trận quân sự để biểu dương sức mạnh, củng cố phòng thủ, ví dụ dàn thêm THAAD”.

Mỹ-Hàn đã đồng ý hoàn tất vụ dàn THAAD ở vùng nông thôn Seongju (phía nam Hàn Quốc) từ cuối năm 2017.

THAAD gồm 6 bệ phóng, đã dàn được 2 nhưng 4 bệ phóng còn lại bị Hàn Quốc đình lại, vì lo ngại tác động môi trường tiêu cực đến sức khỏe dân địa phương.

Khi làm Tổng thống, ông Moon kéo dài thời hạn trên, bằng cách đưa ra những bản đánh giá tác động môi trường nghiêm khắc hơn, để trấn an sự lo ngại của dân địa phương vốn sợ radar của THAAD gây hại cho sức khỏe của họ.

Ngày 29.7, Phủ Tổng thống nói bản đánh giá tác động môi trường vẫn tiến hành theo kế hoạch, ngay cả sau khi 4 bệ phóng còn lại được lắp đặt.

Khi tranh cử, ông Moon cũng nói dàn THAAD khiến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, bực tức vì Bắc Kinh nói radar mạnh của hệ thống này có thể ‘soi rọi’ bí mật của Trung Quốc.

Vĩnh Thụy (theo Washington Post)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Hàn Quốc tỏ thái độ cứng rắn với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa