Một loạt các quốc gia thuộc sáng kiến "Vành đai và con đường" đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 đã đề xuất Trung Quốc phải giảm hoặc xóa nợ, đẩy Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Báo Mỹ: Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trước các nước ôm nợ vì COVID-19

20/05/2020, 17:03

Một loạt các quốc gia thuộc sáng kiến "Vành đai và con đường" đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 đã đề xuất Trung Quốc phải giảm hoặc xóa nợ, đẩy Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Sri Lanka mất quyền kiểm soát cảng biển chiến lược Hambantota vì vay nợ Trung Quốc - Ảnh: NYT

Khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới, Ngoại trưởng Pakistan tháng trước điện đàm với người đồng cấp ở Bắc Kinh nói rằng nền kinh tế của quốc gia này đang sa sút và bày tỏ mong muốn được tái cơ cấu khoản vay hàng tỉ USD từ Trung Quốc. Kyrgyzstan, Sri Lanka và nhiều quốc gia châu Phi cũng gửi đề nghị tương tự tới Bắc Kinh. Các nước này đề nghị được tái cơ cấu, gia hạn hoặc xóa nợ hàng chục tỉ USD khoản vay từ Trung Quốc mà đến hạn trong năm nay.

Mỗi yêu cầu như vậy đã cản trở Trung Quốc trong nỗ lực trở thành chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy một chiến lược “cho vay toàn cầu”, rót vào các nước nghèo hàng trăm tỉ USD nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên phạm vi thế giới. Trong khi đó, các quốc gia vay nợ đã phải sử dụng tài sản quốc gia như cảng biển, mỏ quặng và các tài nguyên quý giá khác làm tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế thế giới chao đảo vì COVID-19 thì ngày càng nhiều quốc gia thông báo với Bắc Kinh rằng họ không thể thanh toán các khoản nợ khi đến hạn, đẩy chiến lược "bẫy nợ" của Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Thực trạng này đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Nếu chính phủ Trung Quốc tái cấu trúc hoặc xóa các khoản vay này, điều đó có thể gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính cũng như khiến người dân Trung Quốc bất mãn bởi họ cũng đang chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế. Nhưng nếu Trung Quốc kiên quyết siết nợ trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phẫn nộ về cách thức quốc gia Đông Á này xử lý đại dịch, mục tiêu tăng cường ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh có thể gặp rủi ro.

Nhà phân tích Andrew Small, thành viên cấp cao của Quỹ German Marshall, Viện nghiên cứu chính sách công của Mỹ, nhận định: “Trung Quốc đang trong thế khó về mặt chính trị. Nếu Trung Quốc siết nợ, họ sẽ thâu tóm các tài sản chiến lược ở những quốc gia không có đủ khả năng chăm lo đời sống nhân dân”.

Danh tiếng của Trung Quốc đang bị đe dọa. Nhiều quốc gia công khai chất vấn và thể hiện sự nghi ngờ về vai trò của Bắc Kinh trong đợt bùng phát đại dịch, sau khi giới chức nước này hồi tháng 1 đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan của dịch COVID-19. Để khôi phục lại hình ảnh, Bắc Kinh đã bán và tặng khẩu trang, thiết bị y tế cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc tỏ ra thiếu hiệu quả khi nhiều nước phàn nàn về chất lượng thiết bị và vật tư y tế xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, bất cứ nước đi sai lầm nào trong lúc thu hồi nợ có thể khiến tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh chịu thất bại lớn.

Theo Viện Kiel, nhóm nghiên cứu của Đức, Trung Quốc đã cho các quốc gia đang phát triển vay khoảng 520 tỉ USD hoặc hơn, hầu hết đã được phân bổ trong những năm gần đây. Điều này giúp Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đứng đầu trong chiến lược “cho vay toàn cầu” của Trung Quốc là sáng kiến "Vành đai và con đường", kế hoạch trị giá một 1.000 tỉ USD được Chủ tịch Tập Cận Bình phát động từ năm 2013 để tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tìm kiếm đồng minh trên khắp thế giới. Kể từ khi sáng kiến này được triển khai, Trung Quốc đã cho các nước vay 350 tỉ USD, trong đó khoảng một nửa trong số đó được coi là "con nợ" có rủi ro cao.

Dự án đường sắt thuộc sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc tại Kenya - Ảnh: EPA

Trung Quốc bác bỏ đề xuất xóa nợ hàng loạt nhưng tỏ ý sẵn sàng đàm phán. Hồi tháng 4, chính phủ Kyrgyzstan cho biết Trung Quốc đồng ý gia hạn khoản nợ 1,7 tỉ USD nhưng không tiết lộ chi tiết. Các nước khác cũng đang kỳ vọng được giãn nợ.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã tăng hạn mức tín dụng tới 700 triệu USD, hạ mức lãi suất và hoãn nợ trong 2 năm cho Sri Lanka. Ngoài những động thái đó, giới chức Trung Quốc vẫn chưa quyết định sẽ giải quyết vấn đề này thế nào.

Trên Thời báo Hoàn cầu, tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc Song Wei cho rằng việc xóa nợ không phải là “cách làm đơn giản và hiệu quả”.

"Những gì Trung Quốc có thể làm để giúp đỡ các nước là tái tạo các dự án tài trợ bằng vốn vay và thu lợi nhuận bền vững thay vì thực hiện các biện pháp đơn giản như xóa nợ", ông Song cho hay.

Sáng kiến "Vành đai và con đường" đã trở thành một chủ đề nhạy cảm trước khi dịch bệnh bùng phát. Các quan chức Trung Quốc từng công khai bày tỏ lo ngại về việc quá nhiều ngân hàng và công ty cùng rót vốn vào các quốc gia mà không có sự phối hợp cần thiết, trong khi hệ thống tài chính Trung Quốc đang phải chịu một gánh nặng lớn từ các khoản nợ công của các công ty nhà nước và chính quyền địa phương để duy trì sự tăng trưởng.

Một số người ở Trung Quốc bắt đầu đặt câu hỏi liệu những khoản tiền họ vất vả kiếm được có đang bị sử dụng lãng phí ở nước ngoài hay không. Mặc dù Trung Quốc ngày càng trở nên giàu có, nhiều hộ gia đình ở nước này vẫn có thu nhập thấp hơn 1/4 so với người dân ở các nước phát triển. Nền kinh tế 1,4 tỉ dân đã bị ảnh hưởng đáng kể vì đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng lần đầu tiên sụt giảm trong nhiều thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, “chiến lược bẫy nợ” của Trung Quốc cũng đã gây ra nhiều tranh cãi và thu hút sự giám sát chặt chẽ từ thế giới. Các khoản vay của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển rất khác so với khoản vay được cung cấp từ các nước phát triển hoặc Ngân hàng Thế giới. Bắc Kinh có xu hướng thu lãi suất cao hơn và kỳ hạn ngắn hơn, đòi hỏi phải tái cấp vốn sau vài năm. Trung Quốc cũng thường xuyên yêu cầu các nước thế chấp bằng tài sản quốc gia, những yếu tố khiến các ngân hàng nhà nước Trung Quốc thêm tin tưởng khi cho các quốc gia nghèo vay tiền.

Ở một số nước, các khoản vay của Trung Quốc đã tăng vọt. Nợ của quốc gia châu Phi Djibouti đã tăng lên hơn 80% tổng sản lượng kinh tế hàng năm. Với Ethiopia và Kyrgyzstan, tỷ lệ này lần lượt là 20% và 40%.

Một số nhà quan sát nhận định rằng, việc cho vay để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng dĩ nhiên là không xấu. Nhưng các dự án mà Trung Quốc đang hỗ trợ thường không hướng đến nền kinh tế địa phương mà nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp cận dễ hơn với các tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đẩy các nước nghèo vào “bẫy nợ” để nắm quyền kiểm soát tài sản chiến lược khắp thế giới và mở rộng vị thế quân sự, kinh tế. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc này.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc thâu tóm tài sản thế chấp ở nước ngoài rất khó khăn. Họ lập luận rằng khoản vay của Trung Quốc có lãi suất cao hơn bởi vì các “chủ nợ” Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ không thể thu hồi được tiền.

Chen Long đối tác của Primus, công ty phân tích kinh tế ở Bắc Kinh, cho rằng rất nhiều khoản vay đáng lẽ phải có mức lãi suất cao hơn để phản ánh đúng những rủi ro thực sự có thể xảy ra.

Nhưng làn sóng phản đối Trung Quốc đã tăng cao trong những năm gần đây khi nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc trả nợ. Các dự án trong "Vành đai và con đường" thường được chứng minh là không mang lại nhiều lợi nhuận khiến những "con nợ" phải trả rất nhiều tiền. Sau khi Bắc Kinh tiếp quản một cảng biển chiến lược ở Sri Lanka, các nước vay tiền Trung Quốc đã thực sự lo ngại.

Trung Quốc cũng dựa vào một mạng lưới bí mật của các cuộc đàm phán song phương cho "Vành đai và con đường" để một số quốc gia con nợ đồng ý với các điều khoản vô lý. Malaysia đã đẩy lùi gói vay 16 tỉ USD, gây áp lực buộc Bắc Kinh phải cắt giảm xuống còn 11 tỉ USD.

Có vẻ như Bắc Kinh đánh giá thấp rủi ro về vấn đề tín dụng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tất cả các nước đang phát triển cùng một lúc. Trung Quốc vẫn khăng khăng giải quyết với từng "con nợ" một cách riêng biệt. Nhưng giới lãnh đạo của các quốc gia này thì lại đang kêu gọi những nỗ lực toàn cầu để giúp giải quyết vấn đề của mình.

"Trung Quốc muốn duy trì sự tách biệt của các quốc gia thuộc sáng kiến Vành đai và con đường bởi nếu đoàn kết lại, họ sẽ mạnh hơn một quốc gia đơn lẻ", ông Benn Steil, giám đốc phục trách kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết.

Một nhà máy điện do Trung Quốc tài trợ đang được xây dựng ở Pakistan - Ảnh: Getty

Vào tháng 4, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã kêu gọi các tổ chức và quốc gia có tiềm lực tài chính dồi dào giảm nợ cho tất cả các nước đang phát triển. Hai tuần sau, nhóm G20, trong đó có Trung Quốc, thông báo lùi thời hạn tất cả khoản nợ cho những quốc gia nghèo nhất thế giới cho tới cuối năm nay.

Tuy nhiên, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc Song Wei nói quyết định này không được áp dụng với các khoản cho vay ưu đãi của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc. Ngân hàng này rót vốn cho hơn 1.800 dự án thuộc sáng kiến "Vành đai và con đường", với tổng giá trị lên đến 149 tỉ USD.

Áp lực sẽ ngày càng đè nặng lên Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn. Các quan chức tham gia quá trình đàm phán cho biết nhiều quốc gia đang yêu cầu Trung Quốc xóa hoặc giãn nợ, trong đó có một số nước châu Phi. Nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất châu Phi, Ethiopia, đã yêu cầu Trung Quốc xóa một số khoản nợ và đảm nhận vai trò đại diện cho các nước châu Phi tiến hành đàm phán với Trung Quốc.

"Bây giờ mọi thứ vẫn còn ở giai đoạn đầu. Nhưng tôi biết Trung Quốc thường nhận ra những thách thức mà các quốc gia đang đối mặt", Bộ trưởng Tài chính Ethiopia Eyob Tekalign Tolina cho biết và tiết lộ rằng một nhóm quốc gia châu Phi kém phát triển nhất đã kêu gọi Bắc Kinh xóa nợ. "Chúng tôi đề nghị Trung Quốc hỗ trợ khi dịch COVID-19 đang gây cú sốc toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng", ông Tolina nói thêm.

Nhưng Bộ trưởng Tài chính Ghana Ken Ofori-Atta nói trong cuộc phỏng vấn trực với Trung tâm Phát triển Toàn cầu rằng Trung Quốc cần hành động nhiều hơn và mạnh mẽ hơn.

Phía Trung Quốc vẫn khẳng định họ sẽ tiếp tục thực hiện các dự án ở các nước đang phát triển. Pakistan tuần trước đã giành được hợp đồng xây dựng đập trị giá 5,8 tỉ USD giữa một công ty nhà nước Trung Quốc với doanh nghiệp quân sự của Pakistan. Chi tiết hợp đồng này không được công bố.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đòi hỏi quá nhiều, các quốc gia vay nợ có thể đoàn kết và cố gắng thành lập một liên minh để cùng ứng phó với Bắc Kinh. Theo đó, họ có thể công khai các quy mô và điều khoản, điều kiện chấp nhận các khoản vay từ Trung Quốc, khiến vấn đề này trở nên rắc rối hơn với Bắc Kinh. Các quốc gia khác cũng có thể thay đổi hình thức cho vay, điều này có thể buộc Trung Quốc phải thay đổi cách làm của mình.

Nhà phân tích Scott Morris, thành viên cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, viện nghiên cứu có trụ sở ở Mỹ, cho rằng: “Đây là bài toán khó cho Trung Quốc. Nếu nhìn vào thực trạng và quy mô của những quốc gia có thể vỡ nợ, đây có thể là rủi ro rất lớn đối với Trung Quốc. Liệu họ có chấp nhận giảm một số khoản nợ hay sẵn sang thâu tóm tài sản của các quốc gia vào thời điểm nhạy cảm như thế này?".

Hoàng Vũ (theo New York Times)

Bài liên quan
Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trước các nước ôm nợ vì COVID-19