Tại phiên tòa ngày 30.11 (giờ Mỹ) ở New York, một bị cáo cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi còn là Thủ tướng đã cho phép một vụ “rửa tiền” để giúp Iran lách lệnh cấm vận của Mỹ.
Bị cáo Reza Zarrab là một nhà buôn vàng người Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả một mạng lưới “rửa tiền” trải dài - thông qua một ngân hàng nhà nước ở Thổ Nhĩ Kỳ - đã giúp Iran tiếp cận được các thị trường quốc tế từ năm 2010 đến 2015, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran.
Vào thời điểm đó, ông Erdogan là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, đã đích thân cho phép Iran thực hiện một vụ chuyển khoản, nên rõ ràng ông biết rõ đường dây “rửa tiền” hàng tỉ USD này, theo bị cáo Zarrab.
Ngành công tố Mỹ buộc tội 9 người âm mưu giúp Iran “lách” luật cấm vận của Mỹ, dù mới chỉ bắt được Zarrab, 34 tuổi, và Mehmet Hakan Atilla, 47 tuổi, cựu phó giám đốc ngân hàng nhà nước Halkbank (Thổ Nhĩ Kỳ).
Zarrad đã bị Mỹ bắt hồi tháng 3.2016, khi ông ta cùng con gái và vợ là ca sĩ Ebru Gndes đến Florida để đi chơi ở Công viên giải trí Disneyworld.
Zarrab bị buộc tội “lừa đảo ngân hàng” và “rửa tiền”, nhưng tài liệu tòa án công bố hôm 29.11 cho biết hồi tháng 10, bị cáo thỏa thuận nhận tội với các công tố viên, và làm chứng chống lại đồng bị cáo Attila.
Trong 2 ngày xử đầu, Zarrab cho đoàn bồi thẩm biết: ông ta giúp Iran dùng tiền gởi ở ngân hàng Halkbank để mua vàng, tuồn qua Dubai bán lấy tiền mặt.
Ngày 30.11, ông ta khai ngưng mua vàng, bắt đầu chuyển tiền thông qua các vụ mua lương thực giả.
Zarrad khai Atilla giúp thực hiện chuyện chuyển vàng, cùng với cựu Tổng giám đốc Halkbank là Aslan.
Atilla không nhận tội, luật sư của ông gọi Zarrab là “gã nói láo, gian lận” và khẳng định thân chủ không tham nhũng,không nhận hối lộ.
Zarrab cũng thừa nhận đã đút lót Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Zafer và Caglayan cựu giám đốc ngân hàng nhà nước Halkbank.
Bị cáo kể Caglayan cho biết ông Erdogan và Bộ trưởng Tài chính lúc đó là Ali Babacan đã cho phép 2 ngân hàng Ziraat và Vakif (ở Thổ Nhĩ Kỳ) chuyển tiền cho Iran.
Cuối năm 2013, ông Caglayan phải từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng. Năm đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cuộc điều tra chống lại ông Erdogan là do người của giáo sĩ Fethullah Glenn tổ chức.
Giáo sĩ Glen đang lưu vong ở Mỹ, bị Istanbul cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016.
Ngân hàng Halkbank ra tuyên bố “Chúng tôi nghiêm túc tuân thủ các quyđịnh quốc gia và quốc tế trong mọi hoạt động kinh doanh và chuyển khoản minh bạch và có cơ quan chức năng giám sát đầy đủ”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn đề cập vụ án Zarrab với phía Mỹ, đòi Mỹ phải thả bị cáo trước khi có công bố thỏa thuận nhận tội.
Bị cáo Zarrad khai trước tòa - Ảnh: Internet
Vài tuần qua, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ xử ở Mỹ là âm mưu của giáo sĩ Glen. Phản ứng trước lời khai của Zarrab, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag mô tả vụ xét xử là “diễn kịch” và là “âm mưu chống phá Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan”.
Hãng tin CNN dẫn lời ông Erdogan hôm 30.11 rằng Thổ Nhĩ Kỳ không vi phạm lệnh cấm vận Mỹ chống lại Iran vàchính phủ ông “hành xử đúng”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlt Çavusoglu nói vụ xét xử ở Mỹ có động cơ chính trị, cáo trạng do người của giáo sĩ lưu vong Glen dàn dựng.
Nhật báo Sabah thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định trên trang nhất: “Chứng cứ ngụy tạo, thẩm phán của Glenn, một âm mưu rõ ràng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo báo Guardian, dù Istanbul công khai phủ nhận, vụ án có thể gây rắc rối cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như các công tố viên Mỹ cung cấp được chứng cứ cho thấy bị cáo Zarrab dính líu với các quan chức cấp cao khác.
Vụ án cũng có thể gây hại cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như những lời khai của Zarrab tác động đến hệ thống ngân hàng, vào thời điểm đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị giảm giá trị.
Bảo Vĩnh (theo Reuters, Guardian)