Reuters ngày 13.9 đưa tin Tổng thống Nicolas Maduro đi Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh dốc hầu bao cho Venezuela vay thêm tiền để giải quyết tình trạng kinh tế siêu lạm phát.

Tổng thống Venezuela cầu cứu Trung Quốc cho vay tiền

Trần Trí | 13/09/2018, 15:51

Reuters ngày 13.9 đưa tin Tổng thống Nicolas Maduro đi Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh dốc hầu bao cho Venezuela vay thêm tiền để giải quyết tình trạng kinh tế siêu lạm phát.

Tổng thống Maduro phát biểu có truyền hình trực tiếp ở sân bay trước khi lên đường: “Đây là một chuyến đi rất cần thiết, rất nhiều kỳ vọng. Tôi đi để bàn các thỏa thuận kinh tế, và chúng ta sẽ lại gặp nhau trong vài ngày nữa, với những thành tựu lớn. Chúng ta lên đường với các điều kiện tốt nhất, đã kích hoạt một chương trình vực dậy nền kinh tế. Chúng tôi đang cải thiện, mở rộng và đào sâu quan hệ với đại cường thế giới này”. Ông không cho biết chi tiết chuyến đi.

Tân Hoa Xãdẫn tuyên bố ngắn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết nhà lãnh đạo cánh tả của Venezuela sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 13 đến 15.9, theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bộ cũng cho biết Phó tổng thống Delcy Rodriguez đang ở Trung Quốc, hôm 12.9 đã gặp Ngoại trưởng Vương Nghị, người tuyên bố Trung Quốc-Venezuela có quan hệ hữu nghị lâu năm và sự hợp tác đang vững chắc trên mọi lĩnh vực”.

Hôm 11.9, Phó tổng thống Rodriguez cũng gặp các lãnh đạo công ty dầu khí nhà nước CNPC (Trung Quốc) để bàn đào sâu sự hợp tác, theo một nguồn tin cấp cao của CNPC choReutersbiết, nhưng không nêu chi tiết. Người phát ngôn CNPC từ chối bình luận. TheoReuters, CNPC là nhà đầu tư lớn nhất vào việc khai thác dầu khí của Venezuela, theo các thỏa thuận cho vay lấy dầu mà hai chính phủ Trung Quốc-Venezuela đã ký.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã rót hơn 50 tỉ USD vào Venezuela, thực hiện các thỏa thuận trên, giúp Bắc Kinh có nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế phát triển nhanh, đồng thời hỗ trợ một đồng minh chống Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh.

Nhưng gần 3 năm trước, dòng tiền cho vay bị ngưng, khi Venezuela đề nghị có vài sửa đổi về thời hạn trả nợ vay, vào lúc giá dầu thế giới giảm, sản lượng dầu Venezuela giảm khiến nền kinh tế nước này lâm cảnh sụp đổ siêu lạm phát.

Hồi tháng 7, Bộ Tài chính Venezuela tuyên bố sẽ nhận 250 tỉ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, để kích cầu sản xuất dầu thô, nhưng không cho biết chi tiết.Trước đó, Venezuela đã chấp nhận vay tiền Trung Quốc cho ngành dầu khí, nhưng cho đến nay chưa nhận đủ khoản tiền này.

Nhà tư vấn Asdrubal Oliveros ở Venezuela, chuyên theo dõi các khoản tiền vay của Trung Quốc, nói hôm 12.9: Venezuela sắp được cho vay 5 tỉ USD nữa để chi cho các dự án dầu khí.

Ông Oliveros còn nói Bắc Kinh chờ đón ông Maduro, để tuyên bố một loạt giải pháp kinh tế, gồm định giá kỹ lưỡng và lập cơ chế giám sát đồng tiền linh động hơn, trước khi cho Venezuela vay thêm tiền.

Venezuela là thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu quốc tế (OPEC), từng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất Nam Mỹ, với nguồn dầu thô dự trữ lớn nhất thế giới. Nhưng việc giá dầu rớt mạnh, cùng nạn tham nhũng nặng, quản lý kém suốt 20 năm gần đây đã khiến nước này lâm khủng hoảng kinh tế-chính trị trầm trọng.

Gần đây, chính phủ Venezuela thực hiện cuộc đổi tiền, với đồng bolivar mới bị xóa đi 5 số 0, trong nỗ lực chống siêu lạm phát và phục hồi nền kinh tế đang suy yếu mạnh.

90% dân Venezuela sống trong cảnh nghèo, 60% thừa nhận bị đói ăn vì không có tiềnmua lương thực. Tình trạng suy dinh dưỡng tăng vì mức lương tối thiểu/tháng chỉ bằng vài USD đã khiến nhiều sản phẩm cơ bản (như thịt gà) nằm ngoài tầm tay với của nhiều người dân. Nhiều gia đình đã phải moi rác tìm thức ăn thiu, cha mẹ nhịn đói cho con cái ăn...Hàng trăm ngàn dân đã rời khỏi Venezuela, chủ yếu qua các nước láng giềng.

Các nhà kinh tế học ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo tỷlệ lạm phát của Venezuela sẽ chạm mốc 1 triệu phần trămvào cuối năm 2018.

Chuyến đi Trung Quốc của Tổng thống Maduro là chuyến công du đầu tiên của ông, sau khi ông bị ám sát hụt bằng máy bay không người lái ở thủ đô Caracas hôm 4.8.

Trong khi đó, sản lượng dầu thô Venezuela trong tháng 8 giảm chỉ còn 1.448.000 thùng/ngày, giảm 21.000 thùng/ngày so với hồi tháng 7, theo số liệu doOPECcông bố.Số liệu trên là sản lượng thấp nhất trong 30 năm nay, ngoại trừ trong thời gian xảy ra cuộc đình công từ tháng 12.2002 đến tháng 2.2003.

Chính phủ Venezuela nói sự giảm sút do quản lý kém của tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA, nơi dính líu nhiều vụ tham nhũng, và do phải giảm đầu tư cơ sở hạ tầng vì không có nguồn thu.

Caracas còn nêu lý do bị Mỹ cấm vận, khiến PDVSA không thể đàm phán khoản nợ mới với Mỹ.

Bích Ngọc (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Venezuela cầu cứu Trung Quốc cho vay tiền