Mọi năm, đến thời điểm này người dân bắt đầu đổ dồn đến sân bay, bến xe, nhà ga, để về quê đón tết. Tuy nhiên, năm nay trái ngược với hình ảnh đó là khung cảnh vắng vẻ ở các bến xe, nhà ga, riêng sân bay Tân Sơn Nhất trở nên quá tải trong những ngày này.

TP.HCM: Bến xe, ga tàu vắng vẻ, sân bay quá tải những ngày cận tết

Tú Viên | 26/01/2022, 10:43

Mọi năm, đến thời điểm này người dân bắt đầu đổ dồn đến sân bay, bến xe, nhà ga, để về quê đón tết. Tuy nhiên, năm nay trái ngược với hình ảnh đó là khung cảnh vắng vẻ ở các bến xe, nhà ga, riêng sân bay Tân Sơn Nhất trở nên quá tải trong những ngày này.

Những ngày gần đây, tại ga quốc nội Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đông đúc người dân làm thủ tục lên các chuyến bay về quê đón Tết Nhâm Dần. Do lượng khách quá đông, nhiều người thậm chí còn nằm chờ vật vã từ 3, 4 giờ sáng để có thể làm thủ tục sớm để về kịp chuyến. Vì vậy, trước các quầy vé của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines luôn có hàng dài người nối đuôi nhau chờ check-in. Nhân viên các hãng bận rộn hướng dẫn hành khách xếp hàng, khai báo y tế…

sbssn.jpeg
Sân bay Tân Sơn Nhất trở nên quá tải trong những ngày cận tết-Ảnh: CTV

Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã quyết định tăng chuyến bay từ nay đến 16.2 để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm Tết. Theo đó, tổng ghế cung ứng giai đoạn này là 2,85 triệu ghế và 13.400 chuyến bay, bằng 107% về số ghế và 109% về chuyến bay so Tết năm trước.

Do số lượng hành khách tăng dần, nhu cầu đi lại nhiều nên có tình trạng khách phải chờ đợi do một số chuyến bay bị trễ. Nhìn chung, giá vé máy bay đi các tỉnh đã tăng nhiều so với cách nay 1 tuần, tùy thương hiệu, giờ bay. Chẳng hạn, giá vé bay 1 chiều vào buổi sáng của một số hãng khởi hành từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bình thường dao động từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, nhưng thời điểm này khoảng 1,6-3 triệu đồng/người. Tương tự, các chuyến bay tối TP.HCM - Hải Phòng dao động từ 3,1-5,6 triệu đồng/người (ngày thường khoảng 2,5 triệu đồng/người).

Hiện các chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam... đều rất đông khách, nhiều chuyến bay có tỷ lệ lấp đầy từ 70%-90%. Đặc biệt, đường bay TP.HCM - Vinh vẫn tiếp tục nóng bỏng do nhu cầu quá đông. Hiện đường bay này có giá vé rất cao.

Vào ngày 27-28.1, giá vé của hãng Vietjet, Bamboo ở mức trên dưới 3 triệu đồng/vé, vé của Vietnam Airlines trên dưới 6 triệu đồng/vé. Với đường bay TP.HCM - Hà Nội, giá vé năm nay thấp hơn nhiều so với những năm trước, chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng/vé và khá dễ mua.

Đại diện Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) đánh giá khách tập trung trên chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Riêng chặng bay TP.HCM - Hà Nội những ngày giáp tết có tỉ lệ lấp đầy 80%-95%.

Ngoài đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội, tám chặng bay khác cũng có lượng khách đạt từ 83% trở lên. Cụ thể, TP.HCM - Vinh (85%), Thanh Hóa (88%), Cam Ranh (87%), Buôn Ma Thuột (93%); Hà Nội - Huế (93%), Đồng Hới (96%), Cam Ranh (83%), Phú Quốc (89%).

Ngược với không khí tấp nập ở sân bay, các bến xe khách liên tỉnh như miền Đông, miền Tây vẫn rất... vắng vẻ. Lượng khách đi về các tỉnh rất ít. Theo lãnh đạo các bến xe, dự kiến từ ngày 26 tháng Chạp tới Tết, lượng khách mới bắt đầu tăng.

Bến xe vắng vẻ ngày cận tết

Tại hai bến xe Miền Đông và Miền Tây, mặc dù đang là thời điểm cận tết Nguyên đán nhưng bến xe rất vắng vẻ, đìu hiu.

Tại Bến xe Miền Đông, hàng chục quầy vé trong bến chỉ có một số khách vào mua vé. Khu sảnh lớn cho khách chờ mua vé, phòng chờ xe cũng trống vắng lạ thường. Thỉnh thoảng có vài hành khách là các sinh viên ra bắt xe về quê. Khu vực bến bãi, các tuyến đi các tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông, Phan Rang thường rất đông khách nhưng đến nay nhiều xe vẫn còn nằm bãi.

mien-tay.jpeg
Bến xe Miền Tây rất vắng vẻ-Ảnh: Thu Trinh 

Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, từ khu vực cổng đến các sảnh chờ khách đều trống vắng. Hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng vắng vẻ, lượt người vào bến xe thưa thớt.

Ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết bến xe năm nay vắng hơn mọi năm, lượt xe xuất bến và hành khách giảm 20%-30%. “Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, người dân bất ngờ thay đổi lịch trình ở lại TP.HCM ăn tết. Mặt khác, do nhiều tuyến ở tâm dịch chúng tôi cũng ngừng hoạt động như các tuyến Gia Lai, Hải Dương, Quảng Ninh” - ông Chín nói.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cũng cho biết lượng hành khách sẽ tập trung đi lại và tăng cao từ ngày 27 tháng Chạp. Dự báo lượng hành khách tại bến xe năm nay sẽ giảm 10%-15% so với năm 2020.

Theo ông Phương, lượng hành khách giảm một phần là do dịch bệnh nên TP.HCM khuyến cáo người dân nên ở lại TP ăn tết. Ngoài ra, tuyến đường đi các tỉnh miền Tây là tuyến đường gần nên nhiều người về trễ hoặc chủ động đi bằng xe máy vì ngại nguy cơ lây nhiễm.

“Nếu xảy ra tình trạng ùn tắc vào ngày cao điểm, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với thanh tra giao thông hỗ trợ xử lý, giải tỏa tình trạng kẹt xe trước bến xe. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long phân luồng giao thông trục đường quốc lộ 1 từ cầu Mỹ Thuận đến đường dẫn cao tốc, khu vực cầu Rạch Miễu và cầu Mỹ Thuận. Đặc biệt khu vực tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và ngược lại trong các ngày cao điểm” - ông Phương thông tin.

Đường sắt hủy nhiều đoàn tàu tết

Trước đó, ngày 6.2, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông báo cắt bỏ hàng loạt tàu tết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm.

Cùng đó, đường sắt cũng tạm ngừng chạy các tàu SE30 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 10, 19, 20-2; tàu SE16 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 19, 20-2; tàu SE10 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 27, 28-2; tàu SE29 xuất phát từ ga Hà Nội ngày 21 - 22.2 và tàu SE15 xuất phát từ ga Vinh ngày 20 - 21.2. “Đối với hành khách có vé tàu bị tạm ngừng sẽ được chuyển vé sang các đoàn tàu khác…”, ngành đường sắt thông tin.

ga-tau.jpeg
Gàu tàu đìu hiu những ngày cận tết-Ảnh: AT

Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết mặc dù số lượng người dân di chuyển bắt đầu đông hơn nhưng vẫn ít so với các năm trước. Số lượng vé vẫn biến động liên tục bởi người dân còn phụ thuộc vào việc các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào. Theo ông Luyện, ngành đường sắt khác với ngành hàng không ở chỗ khi đi từ TP.HCM ra Hà Nội sẽ phải dừng trả khách và đón khách tại nhiều điểm. Do vậy, hành khách lo ngại khó kiểm soát khách lên tàu.

Còn ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết đến thời điểm hiện tại lượng hành khách trả vé ít hơn so với trước đó bởi diễn biến dịch đang dần ổn định nên người dân cũng bớt lo ngại hơn.

Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết vừa tổ chức chạy thêm 2 tàu khách Thống Nhất để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm. Như vậy, trong dịp Tết Nhâm Dần, ngành đường sắt đã có 7 đôi tàu khách giữa Hà Nội - TPHCM bao gồm: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, SE9/10, SE11/12, và SE23/24. Lượng vé tàu Tết bán ra của ngành đường sắt đến thời điểm này chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ Tết năm 2021. Tuy nhiên, nhu cầu mua vé mấy ngày gần đây tăng khoảng 2.000 vé/ngày.

Bài liên quan
Kéo dài thêm thời gian đóng cửa 3 sân bay
Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại các sân bay quốc tế Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lũ trên sông Hồng vượt mức báo động 2, dự báo đạt đỉnh trưa nay
một giờ trước Sự kiện
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 5 giờ sáng 11.9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đạt 10,76m, trên báo động 2 là 26cm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Bến xe, ga tàu vắng vẻ, sân bay quá tải những ngày cận tết