Bất ngờ trong tháng 8.2019 vừa qua, bệnh tay chân miệng bùng phát trên diện rộng tại TP.HCM, số ca mắc tăng gấp 3 lần so với tháng trước. Tình trạng bệnh tay chân miệng được dự báo còn diễn biến phức tạp khi các học sinh đã bước vào năm học. Sở Y tế TP.HCM đã ra văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện cấp bách phòng, chống dịch bệnh này.

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tăng đột biến, sốt xuất huyết chưa dừng lại

13/09/2019, 18:50

Bất ngờ trong tháng 8.2019 vừa qua, bệnh tay chân miệng bùng phát trên diện rộng tại TP.HCM, số ca mắc tăng gấp 3 lần so với tháng trước. Tình trạng bệnh tay chân miệng được dự báo còn diễn biến phức tạp khi các học sinh đã bước vào năm học. Sở Y tế TP.HCM đã ra văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện cấp bách phòng, chống dịch bệnh này.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: PV

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM trong tháng 8.2019, toàn TP phát hiện 3.088 ca mắc tay chân miệng (gồm 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú). Nếu so với tháng trước số ca mắc tay chân miệng là 1.438 ca, thì tháng 8 vừa qua đã tăng gần gấp 3 lần, tăng 115% so với tháng trước. Như vậy, tính đến thời điểm này, toàn TP có đến 9.718 ca (gồm 1.858 ca nội trú và 7.860 ngoại trú).

Ths.BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết hiện nay bệnh tay chân miệng đang bắt đầu vào mùa, cùng với việc học sinh đã bước vào năm học khiến cho việc lây lan trong học sinh tăng cao nên tình hình dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

“Trong lúc này, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học, đặc biệt là việc theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày và phụ huynh cần thông báo rõ lý do cho nhà trường ngay nếu con em mình nghỉ học”, ông Dũng đề nghị.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đã ra văn bản chỉ đạo các quận, huyện triển khai ngay các giải pháp phòng chống tay chân miệng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng ký kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (và sốt xuất huyết, sởi) trong khu vực trường học, nhóm trẻ. Tăng cường các biện pháp hiệu quả phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng trong trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ.

"Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh cũng như các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng" Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo.

Trong khi đó, ông Dũng cho biết dù trong tháng 8 vừa qua, TP đã triển khai đến 3 chiến dịch để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn dân cư. Các đợt chiến dịch này tập trung vào các giải pháp tác động mạnh mẽ, tích cực đến hành vi của các tổ chức, cá nhân trong phòng bệnh sốt xuất huyết. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với vấn đề “diệt lăng quăng” không chỉ là công tác của một tổ chức nào đó làm theo một kế hoạch định kỳ, có thời hạn mà hướng tới hành động hàng ngày của mỗi công dân, tập thể trong cộng đồng. Phương châm của các chiến dịch này là “cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi”.

Dù vậy, tình hình bệnh sốt xuất huyết trong tháng 8 vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể tổng số ca mắc sốt xuất huyết được phát hiện trong tháng 8 vừa qua là 7.833 ca (trong đó có 4.477 ca nội trú và 3.356 ca ngoại trú), tăng 18% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có đến 39.814 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó có 4.477 ca nội trú và 3.356 ca ngoại trú), tăng 142% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Dũng cho rằng việc phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết của ngành y tế, của các hộ gia đình chỉ là biện pháp cấp thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.

“Muốn phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả thì người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở phải có trách nhiệm trong việc dọn dẹp, loại bỏ những nơi, những vật dụng có thể chứa nước như: xô chậu, thùng phi, bình bông, chậu hoa, cây kiểng, hồ tiểu cảnh, vỏ xe, ly nhựa, hầm cống, hố nước, hốc cây, các vật phế thải... để không tạo điều kiện cho muỗi có thể đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết”, ông Dũng nói.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tăng đột biến, sốt xuất huyết chưa dừng lại