Liên tục những ngày gần đây tình trạng ùn tắc giao thông đang có chiều hướng gia tăng, ở những tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố, nạn ùn ứ giao thông càng trầm trọng hơn. Vì sao?

TP.HCM bùng phát kẹt xe

Một Thế Giới | 09/09/2015, 08:52

Liên tục những ngày gần đây tình trạng ùn tắc giao thông đang có chiều hướng gia tăng, ở những tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố, nạn ùn ứ giao thông càng trầm trọng hơn. Vì sao?

1 giờ đi 4km

Tình trạng giao thông trên đưòng Cộng Hòa - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 (thuộc các quận 12, Tân Bình, Tân Phú) sau một thời gian ngắn được cải thiện nhờ xây dựng các cây cầu vượt bằng thép (Hoàng Hoa Thám và Lăng Cha Cả) và mở rộng đưòng Lũy Bán Bích, nay tình trạng kẹt xe lại trầm trọng hơn. Mờ sáng, dòng người và xe từ ngã tư An Sương và các đường nhánh như Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, Phạm Văn Bạch, Tây Thạnh từ các quận, huyện như Củ Chi, Hóc Môn, một phần Bình Chánh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, 12... ùn ùn vào tuyến đường độc đạo Trường Chinh để đi vào trung tâm TP và ngược lại. Khi đến ngã ba mũi tàu Cộng Hòa - Trường Chinh dòng xe bắt đầu nhích từng tí một.

Nghiêm trọng nhất đoạn từ ngã ba Bà Quẹo, tức từ đường Âu Cơ qua ngã tư Tân Kỳ - Tân Quý đến ngã tư Bảy Hiền (thuộc quận Tân Phú và Tân Bình) là đoạn luôn xảy ra kẹt xe bất kể giờ cao hay thấp điểm. Nguyên nhân do đường Trường Chinh khu vực này chưa được mở rộng, trong khi đó, khu vực trên có rất nhiều tuyến đường cắt ngang và trường học. Có thời điểm, cả chục chiếc xe buýt nối đuôi nhau lưu thông chiếm hết làn đường khiến giao thông tê liệt. Anh Trần Minh Đức, ngụ ấp 1 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, hàng ngày đi làm gần Bến xe miền Đông quận Bình Thạnh và hầu như ngày nào cũng gặp kẹt xe. Đoạn đường từ Tân Kỳ - Tân Quý ra đến cầu vượt Lăng Cha Cả (Tân Bình) khoảng 4km nhưng vào giờ cao điểm phải mất hơn 45 phút, thậm chí có hôm mất hơn cả tiếng đồng hồ.

Tương tự, tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Thập, cầu Kênh Tẻ rẽ qua Phú Mỹ Hưng quận 7... cũng đang báo động. Nhất là điểm kẹt xe trước Lotte Mart và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Anh Vũ Tấn Quân ngụ đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, cho biết, những ngày gần đây, việc ra vào trung tâm TP khó khăn hơn do có quá nhiều xe từ khu Nam Sài Gòn đổ vào trung tâm TP, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều. Hàng loạt cây cầu bắc qua kênh Bến Nghé - Tàu Hủ nối giữa quận 4, 8 và quận 1, 5 như cầu Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Chánh Hưng, Chữ Y, kênh Xáng... ngày nào cũng xảy ra ùn ứ xe.

Chờ mở rộng

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nguyên nhân kẹt xe là do số lượng phương tiện giao thông tăng quá cao do hàng loạt khu nhà cao tầng mới hình thành, trong khi diện tích mặt đường tăng không đáng kể. Về giải pháp tạm thời, Sở GTVT thường xuyên bố trí phân luồng, xử lý các điểm giao cắt bằng giải pháp kỹ thuật công trình cho phù hợp. Sở cũng đã đề nghị Công an TP, chủ tịch UBND các quận huyện, thanh niên xung phong... tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại các điểm nóng thường xảy ra ùn tắc.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Sanh, một chuyên gia về giao thông cho rằng, để giải quyết tình trạng kẹt xe đang tái diễn hiện nay, sở GTVT cần tổ chức điều tra, khảo sát, tính toán lưu lượng đi lại trên các trục đường trọng yếu, qua đó phân luồng sao cho hợp lý. “Ngành giao thông cần tổ chức lại giao thông tại các nút giao, mở rộng diện tích để thông thoáng hơn. Kiên quyết không để lấn chiếm lòng lề đưòng, nhất là những điểm nóng kẹt xe như khu vực Trường Chinh, Bà Quẹo... Điều chỉnh lại các tuyến xe buýt đi qua khu vực đường Âu Cơ, Trường Chinh nhằm thông thoáng hơn. Kiên quyết không cho phụ huynh đứng chờ đậu xe dưới lòng đường, nhà trường, địa phương phải bố trí chỗ đậu xe cho phụ huynh. Trong những giờ cao điểm, Sở GTVT phải linh động cho xe hai bánh và ô tô lưu thông cùng làn trên một số tuyến đường phù hợp về diện tích.

Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM cho biết, dự án mở rộng đường Trường Chinh đoạn ngã ba Bà Quẹo và khu vực đường Tân Kỳ - Tân Quý chưa triển khai mở rộng vì đang chờ dự án đền bù giải tỏa của tuyến metro số 2 (Bến Thành, quận 1 - Tham Lương, quận 2). Khi dự án metro số 2 hoàn thành công tác đền bù giải tỏa mới xúc tiến dự án mở rộng nút thắt cổ chai trên đường Trường Chinh. Còn những dự án gắn vối mở rộng đường thì chững lại do kinh tế đang khó khăn, thị trường bất động sản không còn sôi động nên việc kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa cũng không dễ. Một lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4) thuộc sở GTVT TP.HCM, cho rằng để giảm kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ, khẩn trương xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Hiện dự án đã có nhà đầu tư theo hình thức BOT, nhưng sớm nhất cũng phải năm 2016 mới khởi công: Để hạn chế tình trạng kẹt xe, Khu 4 đã mở rộng mặt đường tại các dải phân cách trên đường (lâu nay trồng cây xanh và con lương cứng) nhưng cũng không giải quyết được tình trạng kẹt xe do lưu lượng quá lớn.

Theo Quốc Hùng/ SGGP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu 4 Ủy viên Bộ Chính trị
14 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM bùng phát kẹt xe