Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa có báo cáo gửi Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQL), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD.
BQL đã triển khai đầu tư xây dựng 2/8 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương). Ngoài ra, các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Hàn Quốc đã viện trợ vốn ODA không hoàn lại cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu, cập nhật hoàn chỉnh hồ sơ dự án.
Qua quá trình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị, BQL nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các dự án đường sắt đô thị có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lợi nhuận thu được không cao nên khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng những nguồn vốn vay thương mại.
Việc huy động vốn cho dự án thường được huy động theo hình thức hợp vốn dẫn đến việc cần nhiều thời gian để đạt được sự thống nhất của các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho dự án. Từ đó, kéo theo chuyện phải thực hiện các thủ tục về đàm phán, ký kết khoản vay với từng nhà tài trợ do không thể gộp chung ngay cả khi có nhiều khoản vay của cùng một nhà tài trợ.
Thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài do các dự án đường sắt đô thị thường là dự án quan trọng quốc gia nên trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án phải thực hiện rất nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật từ TP, Chính phủ, Quốc hội.
Mặt khác, do thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, số vốn cam kết của các nhà tài trợ khó đảm bảo; việc tính toán chi phí đầu tư cho dự án sẽ rất khó khăn do có nhiều thay đổi biến động và trượt giá dẫn đến “đội vốn” qua các bước thực hiện.
Cùng với đó, những văn bản quy phạm pháp luật thay đổi liên tục gây khó khăn trong việc áp dụng các quy định dẫn đến việc phải điều chỉnh hoặc thực hiện lại thủ tục gây mất thời gian và tốn kém...
Ngoài ra, năng lực, kinh nghiệm của một số nhân sự quản lý, nhà thầu trong và ngoài nước còn hạn chế, chất lượng hồ sơ chưa đạt, chưa đáp ứng kịp yêu cầu công việc, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Vì vậy, BQL kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam bổ sung các dự án đường sắt kết nối vùng TP.HCM theo mô hình TOD; bổ sung các quy định pháp luật về quy hoạch và xây dựng tại khu vực nhà ga để phát triển mô hình TOD; hướng dẫn quy hoạch theo mô hình TOD.
Đồng thời, cần bổ sung các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng phát triển, thiết kế đô thị theo mô hình TOD về không gian ngầm khu vực trung tâm TP và một số quận nội thành cũ để khai thác đồng bộ, hiệu quả với hạ tầng đường sắt đô thị, kết hợp việc khai thác quỹ đất để tạo thêm nguồn lực cần thiết cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn rõ những quy trình kiểm soát việc thực hiện các gói thầu áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC sách bạc, để hài hòa với quy định của các nhà tài trợ dự án và thông lệ quốc tế.
Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn việc xây dựng ban hành quy định về quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị làm cơ sở tổ chức thực hiện.