Công an TP.HCM dự báo tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Từ ngày 1.10, TP.HCM bắt đầu thực hiện chỉ thị số 18/CT-UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vận tải được phép hoạt động trở lại nên lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông đông hơn trước.
Tuy nhiên, chỉ từ ngày 1.10 đến ngày 7.10, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM ghi nhận xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người chết. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát gây tai nạn giao thông chiếm 50% số vụ; không giữ khoảng cách an toàn chiếm 16% số vụ.
Dự báo tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM ngày 13.10 đã khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và yêu cầu, hướng dẫn của lực lượng chức năng khi tham gia giao thông.
Trong lúc điều khiển phương tiện, lái xe, người dân phải tập trung quan sát, tuân thủ hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu; đi đúng phần đường, làn đường quy định; chú ý tốc độ và khoảng cách an toàn cho phép. Người dân tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia; kiểm tra phương tiện đảm bảo an toàn trước khi tham gia giao thông; không cho các em học sinh điều khiển xe từ 50 phân khối trở lên khi chưa có giấy phép lái xe.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết các lỗi vi phạm do chủ quan của người điều khiển phương tiện như: lưu thông quá tốc độ quy định; đi không đúng làn đường, phần đường; vi phạm về dừng đỗ xe; lưu thông đường cấm, giờ cấm… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp trong quá trình tuần tra kiểm soát; tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trực tuyến cho học sinh, sinh viên; phối hợp các cơ quan báo đài đưa tin cảnh báo về tai nạn giao thông.
Ngoài ra, cảnh sát sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát công khai, hóa trang để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Trước đó, ngày 1.10, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an toàn quốc đảm bảo trật tự an toàn giao thông phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế khi nới lỏng giãn cách xã hội, nhấn mạnh vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông.
Bộ Công an dự báo trong thời gian tới, tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ phức tạp, vi phạm gia tăng, các phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại, nhu cầu người dân về quê sau nới lỏng giãn cách rất lớn. Do đó, Bộ Công an chỉ đạo công an toàn quốc với trọng tâm là lực lượng cảnh sát giao thông chủ động nắm tình hình để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng vi phạm và xử lý ngay việc tụ tập, gây rối trật tự công cộng, tổ chức, cổ vũ đua xe trái phép từ khi manh nha.