Sáng 30.12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có một đơn vị hành chính cấp sở phụ trách công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Sự kiện

TP.HCM chính thức thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước

Hồ Quang - Tú Viên 30/12/2023 13:40

Sáng 30.12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có một đơn vị hành chính cấp sở phụ trách công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

ba-pham-khanh-phong-lan-tro-thanh-giam-so-an-toanthuc-pham0dau-tien-cua-ca-nuoc-hinh-anh.png
Bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu nhận nhiệm vụ - Ảnh: PV

Tại hội nghị, ông Lâm Hùng Tấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM; Nghị quyết của HĐND TP về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

UBND TP.HCM cũng đã trao quyết định bổ nhiệm bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM giữ chức giám đốc Sở An toàn thực phẩm; ông Lê Minh Hải - Phó ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM giữ chức phó giám đốc.

Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động, phù hợp với định hướng phát triển của TP và tình hình thực tiễn của địa phương.

Ông Đức đề nghị Sở An toàn thực phẩm phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập trung triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trong tâm. Trước mắt, khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức của đơn vị và triển khai ngay các công việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm cần liên kết chặt chẽ với các tỉnh, gắn TP.HCM và các tỉnh trong phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trên địa bàn TP.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Hướng đến bắt buộc thực phẩm tiêu thụ tại TP phải đúng như trong luật

Tân Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan tỏ ra vui mừng trước việc Ban Quản lý an toàn thực phẩm được nâng cấp trở thành Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết 98 của Quốc hội và cũng là một hành động cụ thể để thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư.

ba-pham-khanh-phong-lan-tro-thanh-giam-so-an-toanthuc-pham0dau-tien-cua-ca-nuoc-hinh-anh-2.png
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao quyết định bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm - Ảnh: PV

“Với tư cách là Sở An toàn thực phẩm, chúng tôi có cơ sở pháp lý vững bền, chắc chắn hơn. Thành ủy và UBND TP cũng như các bộ có liên quan cũng sẽ quan tâm hơn”, bà Lan nói.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cam kết tiếp tục tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, để người dân TP được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm.

“Cách đây hơn 6 năm khi thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm, chúng tôi đã hứa nhưng chỉ mới thực hiện được một phần lời hứa của mình. Nếu tính về tất cả các chỉ số, các mục tiêu thì chúng tôi cũng đã đạt được phần đầu. Tuy nhiên, để tiếp tục lên một tầm cao mới, đi vào bảo vệ an toàn thực phẩm một cách bền vững thì chúng tôi còn nhiều việc phải làm”, bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, trước mắt trong năm 2024, TP sẽ tập trung thực hiện xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn cũng như tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người hành nghề, không để khoảng trống xảy ra.

Người đứng đầu ngành an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đang ấp ủ công tác tuyên truyền và làm các công việc ở tầm cao mới trong thời gian tới. Những đề án mà TP đang tiến hành như “chuỗi thực phẩm an toàn” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, liên kết, phối hợp với sở NN-PTNT các tỉnh, thành.

“Điều quan trọng là làm sao cùng với các doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch tìm được đầu ra. Để làm việc này, TP sẽ khuyến khích và đi đến bắt buộc thực phẩm tiêu thụ tại TP phải đúng như trong luật đã quy định”, bà Lan nhấn mạnh.

Ngoài tiếp tục thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc đối với thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, TP sẽ mở rộng các mặt hàng khác. Theo bà Lan, phải làm sao ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thực phẩm như một nhánh trong chủ trương phát triển khoa học công nghệ.

“Chúng tôi luôn biết nhiệm vụ của mình là giữ vai trò rất quan trọng trong cả 3 ngành: y tế, nông nghiệp và công thương. Đối với ngành y tế, chúng tôi là một phần của y tế dự phòng. Không có gì phòng chống dịch bệnh tốt bằng sức khỏe, sức đề kháng của mỗi con người. Đối với ngành nông nghiệp, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là câu trả lời cho phát triển nông nghiệp bền vững. Ở lĩnh vực công thương thì sản xuất, phân phối thực phẩm an toàn cũng chính là bảo đảm chất lượng để cho kinh tế phát triển”, bà Lan chia sẻ.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan sinh năm 1970 tại Khánh Hòa. Bà từng là giảng viên Khoa Dược, Đại học Y dược TP.HCM; Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Bà Lan đảm nhiệm chức vụ trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM từ ngày đầu TP thí điểm (năm 2017 đến nay). Đồng thời, bà cũng là Chủ tịch Hội Dược học, Phó chủ tịch Hội Đông y TP và đại biểu quốc hội khóa 13, 14, 15.

Bài liên quan
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trường học là đối tượng ưu tiên kiểm tra, giám sát ATTP
Đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh trong trường học phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu, bởi việc này không chỉ giúp các em tránh được nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm mà còn giúp các em phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chính thức thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước