Chiều 19.9, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Trong đó, TP chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè từ ngày 1.1.2024.
Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí là Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, UBND cấp huyện. Thời gian bắt đầu thu phí từ 00 giờ ngày 1.1.2024.
Toàn bộ số tiền thu phí được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong 1 tháng thì tính nửa tháng, nếu số ngày sử dụng từ 15 ngày trở lên trong 1 tháng thì tính 1 tháng. Cụ thể, TP.HCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.
Khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận; khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm;
Khu vực 2 gồm các quận: 2 (nay thuộc TP.Thủ Đức, trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), 6, 7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam thành phố), 11, Bình Thạnh, Tân Bình và Bình Tân.
Khu vực 3 gồm các quận: 8, 9 (nay thuộc TP.Thủ Đức), 12, Thủ Đức (nay thuộc TP.Thủ Đức), Tân Phú, Gò Vấp.
Khu vực 4 gồm các huyện: Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi.
Khu vực 5: huyện Cần Giờ.
Các tuyến đường trung tâm là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn giá đất bình quân khu vực; các tuyến đường còn lại là các tuyến đường có giá đất thấp hơn giá đất bình quân khu vực.
Theo tính toán của Sở GTVT TP. HCM, dự kiến số tiền phí thu được từ hoạt động này là hơn 1.500 tỉ đồng/năm.
Sở GTVT tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở GTVT tải quản lý; UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Theo UBND TP.HCM, việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè nhằm hoàn chỉnh các quy định trong công tác quản lý nhà nước, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
Cùng với đó, bảo đảm giao thông an toàn, vệ sinh môi trường đô thị; có cơ sở khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, phù hợp với đặc thù đô thị TP.HCM. Đồng thời bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.