Trong xây dựng chính quyền đô thị, TP.HCM chú trọng triển khai các biện pháp, giải pháp để xây dựng TP.Thủ Đức là "hạt nhân", một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế.
Ngày 20.2, tại TP.HCM, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12.3.2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tham luận tại hội thảo, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, hệ thống MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của TP.HCM ngày càng hoạt động hiệu quả; tập hợp nhân dân tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Ông Nguyễn Hồ Hải nhận định, nhân dân các địa phương đến Thành phố sống và làm việc đã có nhiều đóng góp quý báu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, chung tay, đồng lòng cùng Thành phố tham gia công tác phòng, chống, vượt qua đại dịch COVID-19.
Về những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, theo ông Hải, có thể cũng là những hạn chế, khó khăn chung của một số tỉnh, thành phố, đó là việc cải tiến, đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng, đô thị cùng công tác quản lý cán bộ còn hạn chế, chưa sâu sát, không kịp thời.
Đặc biệt, hạn chế lớn nhất của Thành phố là tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, có giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
Với đặc điểm là đô thị đông dân nhất cả nước, tốc độ tăng dân số ở mức cao, đô thị hóa nhanh tại một số địa bàn nông thôn… nên tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Việc lãnh đạo, vận động, tổ chức các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, tập hợp các giới vào tổ chức nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi còn hạn chế.
Ông Hải cho biết, Thành ủy TP.HCM xác định rõ việc xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, triển khai ngay Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong xây dựng chính quyền đô thị, chú trọng triển khai các biện pháp, giải pháp để xây dựng TP.Thủ Đức là "hạt nhân", một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh, chúng ta nhận thức rõ, sâu sắc hơn về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điều này đã được chứng minh thực tế qua thắng lợi của các cuộc cách mạng, đạt thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19 nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, đất nước ta đã vượt qua được dịch bệnh.
Ông Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, phát huy tinh thần để làm sao hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 là điểm chung, tương đồng để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở ngoài nước.
Quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó phải lấy nhân dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm của mọi quyết sách; lòng dân, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất đo chất lượng của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn mới càng phải nhấn mạnh hơn vấn đề này”.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu, cần tập trung xây dựng MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng để giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết kịp thời; đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên trì trong việc chống tham nhũng, tiêu cực và những thói hư tật xấu trong Đảng, trong xã hội; không ngừng nâng tầm trí tuệ của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và tầm nhìn của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến lên. Xây dựng được một đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu, cán bộ phải gương mẫu phải đi trước và phải cùng với nhân dân…
Mặt khác, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết phải thiết thực, hiệu quả, nhất là quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết nhằm thúc đẩy các nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống.