Nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các năng lực đề ra đơn giá, cách vận hành, diện tích hoạt đồng và tái tạo nặng lượng từ rác thải rắn.
UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu, qua đó lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn TP.HCM năm 2018.
Các nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định mới có cơ hội trúng thầu. Cụ thể, các nhà đầu tư phải đáp ứng 4 tiêu chí xét chọn năng lực: Khả năng tiếp nhận rác (phải đạt mức 1.000 tấn/ngày, có tính thêm khả năng mở rộng công suất xử lý, linh hoạt tiếp nhận, vận hành, xử lý chất thải bao gồm đã phân loại và không qua phân loại); đơn giá xử lý phù hợp (xem xét trên cơ sở công nghệ và giá bán điện để xác định mức tiêu chí xử lý phù hợp); diện tích đất không vượt quá 10ha/1.000 tấn rác; hiệu suất tái tạo năng lượng (rác chưa phân loại: 15kW - 20kW/tấn, rác đã phân loại: trên 20kW/tấn).
Các đơn vị liên quan của TP.HCM phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến đốt phát điện theo hình thức xã hội hóa. Hai dự án được chú trọng nhiều nhất là xử lý chất thải rắn sinh hoạt có kết hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại, với công suất 1.000 tấn/ngày/dự án.
Theo kế hoạch, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh giảm tối đa là 50% và giảm còn 20% vào năm 2025.
Báo cáo tại kỳ họp quý II năm 2017, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin, TP.HCM đang chịu áp lực lớn bởi ba tác động môi trường gồm: nước thải với gần 1,8 triệu m 3 mỗi ngày; khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông và 839 nguồn khí thải công nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường khoảng 8.300 tấn mỗi ngày và rất nhiều nguồn thải khác.
Việc tiến tới xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến sẽ tăng tính hiệu quả, giảm thải tác động xấu lên môi trường là cấp thiết đối với thành phố phát triển nhất Việt Nam ngay từ bây giờ.
Hồ Đông