TP.HCM đề xuất chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương.
Chiều 25.4, Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT về định hướng phát triển GD-ĐT.
Tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, toàn thành phố hiện có 2.366 trường, trong đó có 1.351 trường mầm non, 514 trường tiểu học, 286 trường THCS và 204 trường THPT. Tổng quy mô hoạt động hơn 1,6 triệu học sinh với gần 77.500 giáo viên.
Ngoài ra, TP còn có 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 1.450 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 310 trung tâm học tập cộng đồng tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Để thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo, TP đã đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030 như sau: Đến năm 2025 đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học; 80% thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến; 80% trường tiểu học, 60% trường THCS và 80% trường THPT học 2 buổi/ngày ở mỗi quận, huyện; có ít nhất 24 trường ở mỗi bậc học thực hiện mô hình trường chất lượng cao, tiên tiến hội nhập quốc tế; 50% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc; 90% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng CNNT cơ bản.
Tuy nhiên, ông Đức cho biết còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện như một số quy định của Trung ương chưa phù hợp với thực tiễn nên gặp khó khăn khi triển khai. Đơn cử, hiện nay chưa có định biên và chính sách thu hút đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ, kế toán, giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật…
Ngoài ra, công tác giảng dạy kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lúng túng. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không đủ nhân sự điều hành quản lý.
Bên cạnh đó, một số quy định về diện tích đất/học sinh tối thiểu chưa phù hợp tình hình thực tiễn của TP, các yêu cầu và quy định về quy hoạch sử dụng đất giáo dục còn khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển quy mô trường lớp tại thành phố. Ngoài ra, các nguồn lực đầu tư xã hội hóa chưa được khai thông do thiếu chính sách hấp dẫn.
Từ thực tế đó, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ cho phù hợp với Luật Giáo dục 2019 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có cơ sở để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp với chương trình khác của nước ngoài.
Song song đó, Chính phủ phân cấp cho UBND TP thẩm định phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp đối với các cơ sở giáo dục liên kết giáo dục nước ngoài và thẩm định, phê duyệt tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ.
TP.HCM cũng kiến nghị điều chỉnh về ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó điều chỉnh tiêu chuẩn “Diện tích khu đất xây dựng trường” ở khu vực trung tâm các đô thị thành “Diện tích sàn xây dựng”.
Cùng với đó, TP.HCM kiến nghị xem xét điều chỉnh về ban hành Danh mục - Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non do hiện nay chưa phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phát triển.
Đối với việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các thông tư điều chỉnh theo Luật giáo dục 2019, TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo thống nhất trong thực hiện liên quan đến chế độ chính sách, chương trình dạy học, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đánh giá hết cấp học, nội dung, hình thức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước, quy mô dân số hơn 10 triệu dân với những đặc thù riêng của một đô thị lớn, TP.HCM sẵn sàng là đơn vị thí điểm các cơ chế, mô hình mới phù hợp xu thế phát triển của thế giới cũng như nhận nhiệm vụ triển khai các chủ trương lớn trong GD-ĐT.
Đáp lại đề xuất này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, quy mô học sinh, sinh viên của TP.HCM đang dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phía Nam. Do đó, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đặt ra nhiều thách thức.
Tại đây, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng kiến nghị nhiều chính sách phù hợp với tình hình đặc thù của TP. Trong đó, về đội ngũ triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp,... ) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông có quy định cho phép tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở.
Những trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.
Đặc biệt, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, UBND TP.HCM đề xuất chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương, đề thi do Sở GD-ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi và bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi của Bộ GD-ĐT.
TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT đồng ý chủ trương và có hướng dẫn cho học sinh thuộc diện F0 (ca bệnh xác định) được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Được biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ tổ chức một đợt thi duy nhất vào các ngày 7, 8 và 9.7. Thí sinh sẽ dự thi 4/5 bài thi để xét tốt nghiệp và có thể sử dụng kết quả để xét tuyển đại học.